Phát triển nông sản an toàn tạo uy tín, thương hiệu và niềm tin với người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.
Hà Nội: Tạo niềm tin người tiêu dùng với các sản phẩm chủ lực
An toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí quan trọng để xét duyệt các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường mà còn tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và niềm tin với người tiêu dùng.
Được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, mặt hàng miến dong của cơ sở Dũng Thúy ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) được nhiều người biết đến và đặt hàng. Theo bà Xuân Thị Thúy, chủ cơ sở Dũng Thúy, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở đặc biệt coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc nhập nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành phẩm miến dong và đã gia tăng lượng sản phẩm hơn 30% so với trước đây. Trung bình mỗi năm cơ sở bán ra thị trường hàng chục tấn miến dong bảo đảm chất lượng.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho biết: Hợp tác xã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Tất cả các loại sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc. Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất các sản phẩm rau theo tiêu chuẩn OCOP, hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ đất đai, nguồn nước đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, hợp tác xã đã liên kết với các bếp ăn tập thể và một số siêu thị, cửa hàng bán nông sản trên địa bàn thành phố, tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả mỗi ngày, doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.
Để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, với sản phẩm được công nhận OCOP như: Trà cam thái lát, trà hoa hòe, trà hoa bách hợp, tinh bột nghệ… của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ Việt (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về kiến thức sản xuất an toàn; đồng thời hỗ trợ xây dựng bao bì sản phẩm... cho chủ thể để tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, đối với các sản phẩm nông nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt OCOP là vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, không chỉ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng mà các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn...
Hiện, vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP đang gặp không ít khó khăn do các cơ sở sản xuất có quy mô còn nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Để tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP, Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (huyện Đông Anh) Nguyễn Thế Hanh thông tin: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã hướng tới sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng hữu cơ từ giai đoạn gieo trồng đến chăm sóc để được công nhận đạt chuẩn; đồng thời xây dựng thương hiệu, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, Quốc Oai đã tập trung hoàn thiện hồ sơ và đăng ký cho 79 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Cùng với việc hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, Quốc Oai xây dựng các cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Mặt khác là hỗ trợ các mô hình sản xuất ban đầu theo tiêu chuẩn VietGAP…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để kiểm soát chất lượng các sản phẩm OCOP bán ra thị trường, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như việc giết mổ gia súc, gia cầm; tiến hành giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của thành phố trong chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Thanh Hóa: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế
Những năm qua, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã tận dụng tối đa quỹ đất và lao động để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, phát huy giá trị của những sản phẩm lợi thế.
Với lợi thế về diện tích bãi bồi ven sông Mã, UBND xã đã rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng... phục vụ sản xuất quy mô lớn. Nhờ đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã phát triển được vùng sản xuất mía nguyên liệu hơn 195 ha, dong riềng 25 ha và rau, củ, quả an toàn hơn 6 ha. Đồng thời, thông qua HTX dịch vụ nông nghiệp và nhiều cá nhân, tổ chức, các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn xã đã phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như: chuỗi liên kết tiêu thụ mía nguyên liệu với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại thôn Hạc Sơn. Nhờ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ lâu sản phẩm miến dong truyền thống của xã Cẩm Bình đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Do đó, trên địa bàn xã có nhiều hộ đã mở rộng diện tích sản xuất cây dong riềng, miến dong. Theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có 150 hộ, với khoảng 300 lao động tham gia sản xuất miến dong. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 15 - 20 tấn miến/năm, doanh thu khoảng 300 - 350 triệu đồng/hộ. Do đó, UBND xã đã và đang đề xuất với UBND huyện Cẩm Thủy xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển đối với nghề làm miến. Đồng thời, năm 2021, UBND xã Cẩm Bình đã hỗ trợ thành lập HTX miến dong Đồi Ao, với 15 thành viên nhằm gắn kết các hộ sản xuất, bảo đảm về công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của địa phương được đánh giá cao về chất lượng và được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2021, hạng 3 sao.
Bên cạnh sản phẩm miến dong, rau, củ, quả an toàn được xem là một trong những sản phẩm có lợi thế, mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Hiện trên địa bàn xã có 6 ha sản xuất rau, củ, quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Là người đầu tiên xây dựng mô hình phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phạm Văn Lĩnh, thôn Hạc Sơn, cho biết: Để tận dụng diện tích đất bãi bồi ven sông Mã, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo đất, lắp đặt hệ thống nước tưới, giàn leo... Đồng thời, lựa chọn những loại cây trồng chất lượng cao, theo xu hướng và thị hiếu của thị trường. Nhờ đó, sản phẩm làm ra của gia đình luôn dễ dàng tiêu thụ ở các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm.
Ông Đỗ Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có một số sản phẩm lợi thế trong ngành nông nghiệp, như: miến dong, rau, củ, quả an toàn, mía chất lượng cao... UBND xã đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm lợi thế, như: tăng cường liên kết sản xuất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn... Với những quan tâm kịp thời, các hộ sản xuất, HTX trên địa bàn đã có “trợ lực” để ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm.
Bắc Ninh: Nông sản an toàn khẳng định thương hiệu
Với tư duy dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài) đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ hiện đại, phù hợp để từng bước nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả đầu tư.
Nghề nông đến với chị vừa là cơ duyên, cũng là niềm mong mỏi. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng Trường Đại học Giao thông Vận tải với công việc ổn định, chị Trâm vẫn quyết định “rời phố về quê” để “bén duyên” với mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Đưa chúng tôi thăm trang trại rộng 5ha ở xã Minh Tân, cô “kỹ sư” nông dân chia sẻ: “Ngày mới bắt tay vào sản xuất (năm 2012), trang trại chỉ rộng 1ha với cây trồng chủ đạo là măng tây xanh và cà rốt. Do ban đầu sản xuất manh mún, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, đầu ra lại không được bảo đảm nên trang trại gặp không ít khó khăn. Năm 2014, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Năm 2018, vùng sản xuất của Công ty được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Các sản phẩm rau quả, nông sản chế biến của Công ty dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường…”.
Hiện tại, Công ty có 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới, tập trung vào một số loại rau củ tươi như: Dưa leo baby, cà chua, măng tây, củ riềng, cà rốt, ớt chuông, các loại rau ăn lá và định hướng sơ chế, chế biến các mặt hàng sấy, nước ép. Ngoài ra, Công ty còn liên kết và chuyển giao công nghệ sản xuất với tổng diện tích 50 ha để mở rộng quy mô. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng và theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tăng hiệu quả kinh tế bằng cách giảm công lao động, chị Trâm đưa các thiết bị như máy xới, máy lên luống và ứng dụng các tiện ích công nghệ hệ thống tưới phun mưa, tưới dinh dưỡng thủy canh, tưới dinh dưỡng nhỏ giọt trên giá thể. Từ khâu làm đất đến sơ chế vận chuyển đều theo quy trình khép kín. Đất được xử lý bằng chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất sau thời gian phơi ải. Cây giống được ươm trong khay xốp bảo đảm tỷ lệ cây sống cao khi ra đất. Với cây dưa leo baby và ớt chuông trồng trong nhà màng giúp giảm sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Việc tưới nước và bón phân được điều chỉnh thông qua hệ thống tưới tự động và bán tự động giúp tăng năng suất và chất lượng quả. Cà chua chính vụ trồng trong nhà lưới ít bị ảnh hưởng của thời tiết và hạn chế được sâu bệnh.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng, chất lượng cao giúp Công ty tạo dựng được thương hiệu và đầu ra ổn định, chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Bắc Ninh và chuỗi siêu thị BigC, Vinmart ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2020, Công ty của chị vinh dự có 4 sản phẩm (dưa leo baby, dưa lưới, củ riềng, măng tây xanh) đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh.
Trước bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 2 năm qua, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong đã chủ động thích ứng để bảo đảm duy trì ổn định sản xuất. Chị Nguyễn Thị Trâm cho biết: “Dù nông sản là mặt hàng thiết yếu, nhưng dịch COVID-19 đã khiến nhiều đối tác trực tiếp tiêu thụ nông sản là các bếp ăn, trường học phải đóng cửa. Sản phẩm tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy, cùng với việc cung ứng nông sản cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm và siêu thị truyền thống, tôi đã đẩy mạnh hình thức kinh doanh qua internet để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Nhờ vậy, tôi đã có một lượng khách hàng online ổn định trong tỉnh và khu vực Hà Nội”. Với sự cố gắng bền bỉ, 7 năm qua, doanh thu của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong tăng từ 250 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 13 tỷ/năm (năm 2020 - 2021); tạo việc làm cho 30 - 60 lao động với mức thu nhập từ 4 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trâm chia sẻ: “Để kinh doanh online hiệu quả và ổn định lượng khách hàng thì yêu cầu quan trọng là nông sản phải bảo đảm chất lượng, quá trình sơ chế, đóng gói, bảo quản cần giữ được sản phẩm tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng. Việc vận chuyển nhanh chóng, kịp thời, đúng hẹn... Có như vậy mới tạo dựng được uy tín, thương hiệu đối với khách hàng, đồng thời giữ chân và có cơ hội phát triền thêm nhiều khách hàng mới, giúp người bán có đầu ra ổn định”.
Thời gian tới chị Trâm còn dự kiến xây dựng thêm nhà màng, nhà lưới để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản. Mặt khác, Công ty cũng chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đưa một số sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, từ đó mở rộng thị trường ra các tỉnh trong khu vực và xuất khẩu, giúp công ty phát triển ngày càng lớn mạnh, nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với nông sản an toàn, chất lượng./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.