Theo bạn đọc phản ánh, thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến quá tải các thiết bị điện trong sinh hoạt hằng ngày, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. trong mấy tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 1.490 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông.
42 người chết, 86 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 336,65 tỷ đồng
Vừa qua, tại xã Ðức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) xảy ra vụ cháy nhà kho, khiến hàng hóa và nhiều tài sản bị thiêu rụi nhưng không có thiệt hại về người. Theo một người dân ở xã Ðức Chính, đám cháy bùng phát vào buổi trưa và lan ra rất nhanh, lúc đó trong kho vắng người. Ngay lập tức sự việc được người dân thông báo đến lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh. Khoảng 15 phút sau, đơn vị đã huy động sáu xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy. Sau hơn hai giờ tích cực chữa cháy, ngọn lửa đã được khống chế. Theo thống kê ban đầu, trong nhà kho chứa chủ yếu giấy vệ sinh cho nên ngọn lửa lan ra rất nhanh và thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, nhiều tài sản khác. Thiệt hại tài sản ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng...
Gần đây nhất, tại Công ty TNHH Hoa Ðại ở phường Hùng Vương (Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) xảy ra một vụ cháy xưởng gỗ rộng hàng nghìn mét vuông. Ðáng chú ý, khu vực xảy ra cháy ngay gần tổng kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu Khu vực III. Theo một số người dân sinh sống ở đây, ngọn lửa bốc lên từ kho sơn vào khoảng hơn 21 giờ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra xưởng gỗ và bốc cháy dữ dội. Trong quá trình xảy ra cháy thì trong kho còn xuất hiện nhiều tiếng nổ. Nhận được tin báo từ nhân dân, lực lượng PCCC đã nhanh chóng huy động nhiều xe cứu hỏa cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để cứu hộ tài sản, bảo vệ hiện trường và khẩn trương dập lửa.
Ðể ngăn không cho ngọn lửa lan sang các kho xăng dầu, lực lượng phòng cháy đã phun nước làm mát, bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ cháy nổ. Ðây vừa là xưởng gỗ, vừa chứa sơn cho nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa lan rất nhanh và khó kiểm soát. Rất may sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy thì đám cháy đã được khống chế. Hiện nay, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chuyên môn điều tra, làm rõ.
Theo thống kê, các vụ cháy lớn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho tàng có các mặt hàng dễ cháy như nông sản, dệt may, gỗ, mút xốp, bao bì... Thời điểm xảy ra cháy thường vào ban đêm và ngoài giờ làm việc. Một số vụ cháy còn xảy ra tại các khu dân cư, nhà dân liền kề có kết cấu theo dạng nhà ống hoặc nhà vừa để ở, vừa kết hợp kinh doanh buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ. Hầu hết các công trình này đều thiếu lối thoát hiểm; hệ thống thiết bị điện cũ, thường xuyên bị quá tải;...
Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên duy trì ở mức cao; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn,... cũng là những nguyên nhân các vụ cháy xảy ra gần đây. Cụ thể, theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thì qua điều tra, làm rõ 808 vụ cháy thì có tới 540 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 183 vụ cháy do sơ suất bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt; 22 vụ cháy do sự cố kỹ thuật; 17 vụ cháy do vi phạm quy định an toàn PCCC; năm vụ cháy do tác động của các hiện tượng thiên nhiên; bốn vụ cháy do tai nạn giao thông; bốn vụ do tự cháy; 33 vụ cháy do nguyên nhân khác.
Để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương. Cụ thể, tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, dự án, đề án và các đề tài, nhiệm vụ khoa học về công tác PCCC và CNCH theo tiến độ đề ra. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về PCCC. Tiếp tục hướng dẫn công an các địa phương triển khai các chuyên đề kiểm tra an toàn PCCC. Tổ chức 47 lớp tập huấn cho đối tượng là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ công an các địa phương. Triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (cảnh báo cháy nhanh); hoàn thành Ðề tài khoa học độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe ô-tô chữa cháy cỡ nhỏ sử dụng trong công tác PCCC và CNCH tại Việt Nam".
Tổ chức các hội thảo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ năng chữa cháy, CNCH tại các địa phương thường xuyên xảy ra cháy, nổ. Nghiên cứu triển khai giải pháp quản lý thông tin, tình trạng phương tiện chữa cháy, CNCH cơ giới của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH (QRcode). Nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về "Thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở". Tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, đánh giá mức độ an toàn PCCC các cơ sở. Qua đó, đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn cháy nổ tại các cơ sở có nguy cơ cao như nhà chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở tập trung đông người, khu công nghiệp...
Tạo ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy
Đề cập về vấn đề này, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong 7 tháng năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 232 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy lớn, 2 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 84 vụ cháy trung bình, 135 vụ cháy nhỏ, 6 vụ cháy rừng; làm 6 người chết, 12 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 3,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, loại hình xảy ra cháy đối với nhà ở hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm 68% vụ việc. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do chập điện, chiếm hơn 60%.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy với hơn 30.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị khắc phục 12.000 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt gần 1.750 trường hợp với số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng, trong đó tạm đình chỉ 179 lượt cơ sở, đình chỉ 98 lượt cơ sở...
Đánh giá về việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố ông Dương cho biết thêm, Nhìn chung, các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng, ban hành, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các mặt công tác quản lý nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn được duy trì thực hiện với các hình thức phù hợp điều kiện thực tế. Qua đó, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra được kiềm chế, kéo giảm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đã được đổi mới, hướng tới nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Nhờ vậy đã tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của đơn vị, cơ sở và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, hơn 60% số vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được lực lượng cơ sở, nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội thành phố cùng tham gia tuyên truyền trong công tác này. Đặc biệt, Công an thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là UBND xã, phường để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật. Trong đó, Chủ tịch UBND xã, phường là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, bởi đây là đối tượng chiếm 68% tổng số vụ cháy trong 7 tháng năm 2020.
Mặt khác, Công an thành phố Hà Nội cũng chú trọng tập huấn, kiện toàn, xây dựng lực lượng nòng cốt trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các đơn vị, cơ sở; tiếp tục làm tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật, nhưng không gây phiền hà cho tổ chức, công dân, ông Dương chia sẻ.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.