Ngày 30/6, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất – năm 2016. Cuộc thi do Hội Nhà báo Việt Nam trực tiếp thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và Ban giám khảo. Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam, Câu lạc bộ Phóng viên nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (phải) và ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (trái) trao giải nhất cho đại diện nhóm tác giả đạt giải nhất.
Chỉ sau hơn một tháng phát động (tháng 4/2016), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 318 tác phẩm dự thi từ các tác giả chuyên và không chuyên từ nhiều cơ quan báo chí trên toàn quốc gửi về dự thi. Trong đó, có nhiều tác phẩm dự thi được gửi đến từ các cơ quan báo chí có uy tín lớn như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tuổi trẻ, Nông thôn Ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế nông thôn; các báo điện tử VietNamNet, Dân Trí, Dân Việt, nhiều tạp chí chuyên ngành và báo địa phương.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao chứng nhận của Hội Nhà báo Việt Nam và phần thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc nhất. Một giải nhất trị giá 15 triệu đồng đã được trao cho nhóm tác giả Vũ Xuân Linh – Nguyễn Thị Vân Anh (Báo điện tử VietNamNet) với loạt bài “Từ cú ngã ngựa đầu tiên đến thương hiệu lọt Guiness”. Hai giải Nhì với phần thưởng 10 triệu đồng/tác phẩm được trao cho nhóm tác giả của Báo Nông thôn Ngày nay với loạt bài: “Đi tìm hợp tác xã kiểu mới” và tác giả Lê Thanh Long, Báo Cần Thơ với loạt bài: “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn”. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Nhà báo Phạm Anh Thơ, báo Kinh tế nông thôn được trao giải Khuyến khích với loạt bài: “Hợp tác xã, làm sao thoát khỏi bóng của chính mình?”.
Phóng viên báo Kinh tế nông thôn (thứ ba từ phải sang) nhận giải khuyến khích.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chúc mừng các tác giả, đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất – 2016. Ông Lợi mong muốn cuộc thi viết sẽ được tiếp tục tổ chức vào những năm tới với quy mô và thu hút được nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn, có đủ các loại hình báo chí tham gia.
Ngay sau Lễ trao giải, tại trụ sở Hội nhà báo Việt Nam đã khai mạc Hội thảo “Nhà báo và vấn đề Chính sách cho nông dân”. Gần 100 đại biểu bao gồm các nhà báo đến từ ba miền trong cả nước; nhà quản lý từ các bộ ngành, hội đoàn thể liên quan; nhà khoa học đến từ viện nghiên cứu chính sách nông nghiệp.
Ban tổ chức trao giải cho nhóm tác giả đoạt giải Nhì.
TS Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, báo chí nói chung và báo chí về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc phản ánh, phản biện để bảo vệ quyền lợi của nông dân, thúc đẩy xây dựng các chính sách mới, sửa đổi điều chỉnh các văn bản chính sách quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này. Mỗi chính sách về nông nghiệp thường ảnh hưởng tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người như: chính sách đất đai, bảo hiểm xã hội, mua tạm trữ nông sản… và mỗi nhà báo, tòa soạn đóng góp được để cải thiện chất lượng chính sách là việc làm có ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, cũng đã có một số biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, nóng vội hoặc thậm chí là một số biểu hiện thiếu lành mạnh của một số nhà báo đã làm cho người nông dân gánh chịu thiệt hại không đánh có.
Ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho rằng, qua công tác truyền thông, tiếng nói của báo chí, một số chính sách có hiệu quả đã đem lại niềm vui cho nông dân. Nhưng chúng ta còn thiếu những cây bút sắc sảo, phân tích một cách thấu đáo, toàn diện những tác động của hệ thống chính sách đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (Hoàng Mai – Hà Nội) cảm ơn tiếng nói của các nhà báo, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân để từ đó ngành chức năng ban hành những chính sách hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, ông cũng mong muốn các nhà báo đưa tin một cách trung thực, khách quan, tránh thổi phồng sự việc, gây bất lợi cho quá trình sản xuất của nông dân.
Khánh Nguyên
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.