Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017 | 1:55

Phù Cát: Thực hiện tốt công tác giảm nghèo

Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cát (Bình Định) luôn chú trọng công tác bình xét cho vay, kiểm tra giám sát và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tạo điều kiện để các đối tượng xã hội, nhất là hộ nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lê Đình Lương chăm sóc bò được mua từ nguồn vốn vay của NHCSXH.

Với nhiệm vụ tổ chức thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi, thông qua ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cát đã thành lập được 336 Tổ tiết kiệm và vay vốn để hỗ trợ ngân hàng trong việc xét chọn đối tượng, giải ngân, thu lãi đảm bảo đúng quy định.

Ông Trần Quốc Quân, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cát, cho biết: “Tất cả các nguồn vốn vay đều được giải ngân thông qua ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Đi đối với công tác cho vay, ngân hàng cũng phối hợp với các hội, đoàn thể này thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để các hộ vay áp dụng vào quá trình sản xuất, chăn nuôi… Nhờ đó, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư sản xuất có hiệu quả và trả lãi, trả vốn đúng hạn. Nhiều sinh viên sau khi ra trường có việc làm ổn định đã trả nợ trước hạn, được hưởng chính sách giảm lãi”.

Gia đình ông Lê Đình Lương ở thôn Phú Kim (xã Cát Trinh) trước đây thuộc diện hộ nghèo, mọi chi phí chỉ trông vào thu nhập từ 4 sào ruộng, các con lại đang tuổi ăn học nên hoàn cảnh rất khó khăn. Thông qua ủy thác từ Hội Nông dân xã, năm 2014, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện. Với số tiền này, ông mua 2 con bò về nuôi vỗ béo. Có bò, vợ chồng ông thay phiên nhau chăn thả, tận dụng nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa và trồng thêm 1,5 sào cỏ trong vườn nhà để làm thức ăn cho bò; thực hiện tiêm phòng đầy đủ và vệ sinh chuồng sạch sẽ nên bò phát triển tốt. Sau 1 năm, ông bán bò thu được gần 40 triệu đồng. Số tiền này ông mua 2 bò cái lai về nuôi để làm giống, 1 năm sau sinh 1 bê con bán gần 12 triệu đồng. Hiện, 2 bò cái lai đang chửa chuẩn bị cho gia đình 2 bê con.

Ông Lương cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH mà gia đình tôi thoát nghèo và đã trả nợ ngân hàng được 20 triệu đồng; kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học đầy đủ”.

Có thể nói, thông qua nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo ở huyện Phù Cát đã có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới và giải quyết những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn bình quân 2%/năm và đã có rất nhiều hộ thoát nghèo nhanh chóng, vững chắc. 

“Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cát sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về mức vay, lãi suất và ý nghĩa, mục đích của các nguồn cho vay ưu đãi của Nhà nước với lãnh đạo và người dân ở các địa phương, nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để ngày càng có nhiều hơn hộ nghèo được tiếp cận  nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo, phấn đấu có từ 80%  hộ nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các điểm giao dịch xã  gắn với  nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho người vay vốn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện việc cho vay, trả lãi một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả nhất, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện”, ông Quân nhấn mạnh.

Trường Giang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top