Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 7 năm 2017 | 3:25

Phụ nữ Lạng Sơn: Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi

Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã giúp nhiều chị em phụ nữ tỉnh Lạng Sơn có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Hiệu quả những mô hình

Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều chị em hội viên phụ nữ đã xây dựng được cho mình những mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập, vươn lên khá, giàu. Trường hợp của gia đình chị Đặng Thị Nga, thôn Còn Sung, xã Đình Lập (huyện Đình Lập) là một ví dụ.

Sinh năm 1979, từ nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình chị Nga chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất thất thường, may mắn lắm thì đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Với lợi thế đất rừng rộng, gia đình tập trung trồng rừng thông, tuy nhiên trồng thông thì phải 15-20 năm mới cho thu hoạch. Chính vì vậy, cuộc sống gia đình gặp khá nhiều khó khăn.

Đến năm 2014, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị được vay số tiền 50 triệu đồng từ NHCSXH. Tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với sự hỗ trợ của bà con họ hàng, chị nhanh chóng tìm cho mình mô hình phát triển kinh tế. Đầu tiên, chị tính đến chăn nuôi, thay vì chỉ tập trung nuôi lợn như trước, chị mạnh dạn đầu tư tiền để mua thêm 6 con dê giống.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp của bà con trong huyện đang rất lớn, chị Nga chủ động đi học hỏi các mô hình ươm cây trong và ngoài huyện. Vừa học vừa làm, vừa đút rút kinh nghiệm nên chỉ trong một thời gian ngắn, vườn ươm của chị đã nhanh chóng phát triển.

Hiện nay, mỗi năm gia đình chị Nga xuất bán được 12-14 con lợn thịt; đàn dê vừa bán, vừa giữ giống phát triển lên 24 con; vườn ươm cây giống mỗi năm xuất bán được khoảng 10 vạn cây. Lấy ngắn nuôi dài, thời điểm này cũng là lúc thông được thu hoạch nhựa. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi 100-200 triệu đồng. Thu nhập khá lại ổn định nên gia đình chị Nga đã hoàn thành xong ngôi nhà 2 tầng khang trang trị giá hơn 600 triệu đồng.

Một trường hợp khác, đó là chị Hoàng Thị Tuyết, thôn Bản Nhuần, xã Văn An (huyện Văn Quan). Hơn 10 năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Không nghèo sao được khi mà quanh năm, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, có khi ăn còn chẳng đủ nói gì đến dư dả. Không chấp nhận đói nghèo, gia đình chị quyết đi tìm hướng phát triển kinh tế cho mình. Thế nhưng, tìm được cách làm rồi thì lại thiếu vốn.

May mắn cho gia đình chị, đang lúc bí vốn, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị vay được 30 triệu đồng từ NHCSXH. Từ nguồn vốn đó, với lợi thế nhà gần đường, gia đình chị Tuyết đầu tư mở điểm thu mua thóc và bán gạo. Tích lũy từng đồng một, để tiết kiệm chi phí, gia đình chị mua máy xay xát và chăn nuôi lợn thịt. Tích lũy được đến đâu, chị lại mở rộng quy mô sản xuất đến đó. Từ làm máy xay xát, nuôi lợn thịt, gia đình còn mở thêm một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón.

Ổn định sản xuất, kinh doanh, hiện nay trung bình mỗi năm gia đình chị Tuyết thu về trên 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, chị còn vươn lên thành hộ khá - giàu và trở thành tấm gương sáng trong vượt khó vươn lên của xã.

Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ

Bên cạnh sự nhạy bén, nỗ lực vươn lên của chị em phụ nữ trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay của NHCSXH thì vai trò của các cấp Hội Phụ nữ cũng rất quan trọng.

Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, có hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm&vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả…

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, đã có trên 2.000 lượt hộ gia đình phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế vững mạnh, làm giàu chính đáng.

Theo số liệu của NHCSXH Lạng Sơn, đến 31/3/2017, tổng dư nợ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là 1.057.581 triệu đồng với 32.221 lượt hộ vay. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, huy động chị em tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm&vay vốn được 1.085/1.085 tổ với số dư tiền gửi tiết kiệm 20.812 triệu đồng.

 Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp hội triển khai thường xuyên. Trong đó, tích cực chỉ đạo và kiểm tra giám sát cơ sở trong việc thực hiện các công đoạn vay vốn như: Bình xét đối tượng được vay, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi lãi, gốc, nợ quá hạn. Kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các thành viên trong tổ và việc thực hiện các quy định của ngân hàng về thu lãi, thu tiết kiệm. Kết hợp kiểm tra hoạt động ủy thác với kiểm tra công tác hội…

Từ những giải pháp cụ thể cũng như kết quả đạt được, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn là một điểm sáng trong công tác ủy thác tín dụng. Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ là một tổ chức nhận ủy thác với dư nợ lớn nhất nhưng chất lượng, hiệu quả cũng tốt nhất. Hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 công đoạn trong hợp đồng ủy thác. Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, qua đó đã góp phần quan trọng giúp các hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như tạo điều kiện để nhiều hộ hội viên vươn lên làm giàu.

Với những kết quả đạt được trong thực hiện công tác ủy thác vay vốn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự nhận được nhiều cờ thi đua, bằng khen của Trung ương, của tỉnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đề nghị NHCSXH quan tâm tạo điều kiện, tăng các nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ nhiều hơn nữa, nhất là những Tổ tiết kiệm&vay vốn thực hiện tốt quy trình ủy thác cũng như việc huy động tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, quan tâm tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc địa bàn thành phố, thị trấn. Đề xuất tập huấn cho các tổ trưởng  những kiến thức, nghiệp vụ cơ bản về công tác tiết kiệm và vay vốn, đồng thời trang bị những kỹ năng cơ bản để giải quyết phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng vốn vay cho các cán bộ quản lý cũng như các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong hệ thống hội; quan tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho hội viên phụ nữ và các hộ nghèo, cận nghèo. Một đề xuất quan trọng nữa đó là cần quan tâm, hỗ trợ giải pháp hiệu quả để giải quyết nợ đã quá hạn lâu ngày, đặc biệt là các trường hợp cho vay chương trình xuất khẩu lao động, đồng thời khoanh nợ xấu cho một số đối tượng không còn khả năng chi trả, những hộ vay đang chấp hành án phạt tù.

Với những kết quả đã đạt được trong hoạt động ủy thác thời gian qua cũng như xác định rõ những nhiệm vụ, đưa ra những giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục là lá cờ đầu, điểm sáng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn tỉnh.

Tân An

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top