Với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là kênh hỗ trợ tích cực, mang lại nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững.
So với 3 năm trước, cuộc sống của gia đình ông Siu Khít, hộ nghèo của thôn Plei Tel A2, xã Ia Sol (Phú Thiện - Gia Lai) đỡ vất vả hơn nhiều. Ông Siu Khít chia sẻ, để được như vậy là nhờ năm 2014 ông được vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện Phú Thiện mua bò sinh sản và đầu tư trồng mì (sắn). Đến nay, gia đình ông Siu Khít đã sở hữu 4 con bò, cộng thêm nguồn thu nhập từ cây mì, lúa nên cuộc sống cũng được cải thiện hơn, còn có dư trả nợ ngân hàng.
Ông Siu Khít cho biết: “Trước đây, gia đình mình khó khăn lắm, không đủ ăn. Sau đó mình vay vốn của NHCSXH để mua bò, làm mì thêm nên bây giờ đủ ăn. Hiện, mình còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng, mình sẽ cố gắng làm để trả hết”.
Được biết, ở thôn Plei Tel A2 có nhiều trường hợp như gia đình ông Siu Khít. Nhờ vốn vay của NHCSXH, các hộ có điều kiện đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Điều đáng phấn khởi là, nhận thức của đồng bào đã có nhiều tiến bộ.
Tính đến nay, dư nợ tại NHCSXH huyện Phú Thiện đạt hơn 216 tỷ đồng với gần 8.000 hộ. Trong đó, dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66%. Bà Phạm Thị Hoa, Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Thiện, cho biết: “Hiệu quả sử dụng vốn vay ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, bà con trong làng đã biết tích lũy, sử dụng đồng vốn để vươn lên thoát nghèo. Hiện, nợ xấu tại huyện Phú Thiện tương đối thấp so với bình quân chung toàn tỉnh, chỉ là 0,06%”.
Theo kế hoạch, năm 2017, NHCSXH huyện Phú Thiện tăng thêm gần 8 tỷ đồng để bổ sung các chương trình cho vay. Trong đó, dành 5 tỷ đồng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đặc biệt ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu tăng cường vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Phú Thiện đã và đang góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hồng Uyên - Thanh Sáng