Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 12 năm 2016 | 7:7

Phú Yên: Người dân khốn đốn vì mưa lũ, lốc xoáy

Sáng 14-12, nhiều tuyến đường ở TP. Tuy Hòa vẫn còn ngập từ 0,3 - 0,5m, một số vùng rốn lũ ở Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa còn bị chia cắt, cuộc sống của người dân vô cùng khốn đốn.

Trước đó, trong ngày 13-12, do ảnh hưởng của rìa bắc áp thấp nhiệt đới và nhiễu động trong gió đông trên cao, khu vực tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được phổ biến 49,7 - 124mm. Do mưa lớn kéo dài cộng với triều cường và thủy điện xả lũ nên đến đêm 13-12, mực nước trên sông Ba tại Củng Sơn dâng cao lên mức 35,5m, trên báo động 3 là 1m, tại Phú Lâm lên mức 4m, trên báo động 3 là 0,3m. Tình trạng ngập lụt đã xảy diện rộng. Ở các khu vực hạ lưu sông Kỳ Lộ có mức ngập phổ biến từ 0,8 - 1,2m tại các xã An Dân, An Ninh Đông, An Ninh Tây (huyện Tây Hòa); từ 0,5 - 1m tại các xã An Định, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An); từ 0,2 - 0,5m xã An Cư, An Thạch (huyện Tuy An), Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Hạ lưu sông Ba độ sâu ngập phổ biến từ 1 - 3m tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa...

Sáng 14-12, nhiều tuyến đường ở TP. Tuy Hòa vẫn còn ngập nước

Không chỉ bị ngập trên diện rộng, trong ngày 13-12, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường còn diễn ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên khiến người dân hoảng loạn. Cụ thể, vào khoảng 14 giờ chiều 13-12, trận lũ quét bất ngờ ập về thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An) gây ngập nhiều nhà dân, trường học, trạm y tế, nhiều chỗ ngập sâu đến 2m. “Thời điểm lũ quét ập về, trường mẫu giáo ở thôn Mỹ Phú có khoảng 30 học sinh, giáo viên bị kẹt lại. Nhờ trường có mô hình dạy học tương tự những chiếc thúng nên lực lượng cứu hộ đã kịp tận dụng đưa giáo viên cùng những học sinh này kịp thoát ra khỏi vùng lũ quét an toàn”, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết. Trong ngày, lực lượng công an, thanh niên xung kích xã An Hiệp cũng đã phải sơ tán khẩn cấp hơn 100 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trong khi đó, trưa cùng ngày, tại xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), một cơn lốc xoáy bất ngờ xuất hiện kèm theo mưa to quét qua khu dân cư ở thôn Phước Bình Nam thuộc xã này làm 20 nhà dân bị tốc mái. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng xung kích giúp dân khắc phục, sửa chữa và chằng chống lại mái nhà; đồng thời di dời những người dân còn ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), vào trưa 13-12, lốc xoáy cũng bất ngờ xuất hiện, gây thiệt hại cho nhiều nhà dân và doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại địa phương. Ông Lê Thanh Hòa, một người dân ở đây bàng hoàng kể lại: “Trận lốc xoáy này kéo đến rất bất ngờ khiến ai nấy không kịp đối phó, chỉ biết trần mình chịu trận. Những nhà xây vững chãi thì thiệt hại ít, những nhà tạm thiệt hại nhiều hơn. Nhà ngói thì ngói bay, còn nhà tôn thì tôn tốc mái. Tất cả bị cuốn tung lên không, bay tứ tán, rất nguy hiểm”.

Tại xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), một cơn lốc xoáy bất ngờ xuất hiện kèm theo mưa to quét qua khu dân cư ở thôn Phước Bình Nam 

Cũng trong ngày 13-12, do mưa lớn kéo dài nên đoạn quốc lộ 1 qua thôn Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An) bị ngập sâu gần 1m gây ách tắc cục bộ trên tuyến Bắc - Nam nhiều giờ. Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên phải huy động xe cẩu tháo dỡ dải phân cách tại đoạn đường này để nước thoát nhanh và hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông bên trái tuyến. Đoạn đường sắt Bắc - Nam từ ga Hòa Đa đến ga Chí Thạnh (huyện Tuy An) cũng bị sụt lún do mưa gây xói lở. Ngành đường sắt đã phong tỏa, không cho tàu lưu thông qua đoạn đường này, đồng thời huy động lực lượng khẩn trương khắc phục, đến hơn 19 giờ cùng ngày mới thông suốt.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, tránh mưa lớn, lũ, ngập lụt, triều cường, sạt lở đất, ngày 13-12, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yen đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khẩn trương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai chủ động tổ chức phòng ngừa thực hiện phương án 4 tại chỗ. Tăng cường kiểm tra, rà soát những khu vực xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông, biển, vùng có khả năng bị ngập sâu, các công trình thủy lợi, giao thông; không được chủ quan lơ là khi đi lại trong vùng ngập lụt. Kiểm tra các công trình hồ đập, công trình đang thi công, neo đậu tàu thuyền ở bến bãi hạ lưu an toàn; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước nguy hiểm và vớt củi trên các sông suối, nhất là các địa phương dọc sông Ba khẩn trương thông báo cho dân biết; triển khai di dời người và gia súc tại các bãi bồi, cồn cát trên sông về nơi an toàn; kiên quyết không để người dân tại các bãi bồi sông Ba và các vùng ngập sâu bị cô lập. Tổ chức trực ban nghiêm túc để theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, lụt và triển khai các biện pháp phòng tránh, kịp thời và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó...

Quốc Hùng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top