Huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tại các địa phương của tỉnh Quảng Bình thời gian qua.
Ngay từ đầu năm 2018, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã tăng cường huy động vốn bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân yên tâm gửi tiền, xem đây là kênh đầu tư vốn an toàn và hiệu quả. Không chỉ tập trung nghiên cứu thị trường nguồn vốn huy động để có chính sách lãi suất hợp lý, linh hoạt, NHCSXH tỉnh còn đưa ra nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp với đối tượng khách hàng gửi tiền.
Đặc biệt, để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, NHCSXH tỉnh thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt theo các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng.
Ba tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Quảng Bình huy động từ tổ chức, cá nhân, Tổ tiết kiệm và vay vốn được 262 tỷ đồng, tăng gần 31 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 10 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch giao tăng trưởng.
Từ nguồn vốn vay huy động trên, đã có gần 9.000 lượt khách hàng trong tỉnh Quảng Bình có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Không chỉ huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn với các khách hàng đang có dư nợ, NHCSXH tỉnh cũng thực hiện huy động tiền gửi dân cư.
Chị Phan Thị Liễu ở thôn Mỹ Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đã đến Điểm giao dịch xã gửi 70 triệu đồng tiền tiết kiệm. Tính đến nay, chị Liễu đã có 3 sổ tiết kiệm với số tiền 130 triệu đồng tại NHCSXH. “Trước đây, tôi thường gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, nhưng nay, NHCSXH về huy động vốn trong dân cư ngay tại xã rất thuận tiện, tôi không phải đi xa, thủ tục cũng nhanh gọn, đỡ mất thời gian. Mặc khác, việc mình gửi vốn ở đây cũng góp phần giúp nhiều hộ nghèo có thêm cơ hội vay để làm kinh tế…”, chị Liễu tâm sự.
Ông Nguyễn Hồng Liêm, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Đi đôi với đầu tư vốn, chúng tôi còn huy động tiền gửi tiết kiệm trong cộng đồng dân cư tại Điểm giao dịch xã, huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bà con có tiền nhàn rỗi gửi tại xã, thuận tiện ở chỗ, giảm thời gian đi lại. Qua 3 tháng đầu năm, huy động tiền gửi dân cư đạt trên 40%, tiền gửi tiết kiệm trên 30%.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ, tích cực thu hồi xử lý nợ quá hạn, hạn chế nợ quá hạn phát sinh; phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích…”.