Sau khi ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, hàng nghìn tỷ đồng đã được các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ.
Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với một số người dân về việc tham gia đóng góp, ủng hộ quỹ này.
Đóng góp nhỏ nhưng lợi ích lớn
Cụ Nguyễn Ngọc Thư ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã trên 80 tuổi và có 50 năm tuổi Đảng, không phải bây giờ mới nghe Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, chung tay với Đảng, Nhà nước. Trước đây, ngay sau khi giành được độc lập, trước khó khăn về kinh tế của Nhà nước, Bác đã phát động Tuần lễ vàng nhằm động viên, khuyến khích người dân đóng góp cho ngân quỹ quốc gia; tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” năm 1946. Lời kêu gọi toàn dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1966...
Những năm tháng đó, tuy nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn chưa đủ cơm no, áo mặc, nhưng đứng trước sự tồn vong của dân tộc, khi Bác Hồ và Đảng ra lời kêu gọi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nhất tề đứng lên, đi theo tiếng gọi của non sông, đóng góp công sức của mình vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Tất cả những đóng góp đó của nhân dân, tuy rất nhỏ bé nhưng là đã tạo nên sức mạnh lớn lao, để cả dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù.
Bây giờ, trước đại dịch Covid-19, việc chung sức cùng với Đảng và Nhà nước, đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 để có kinh phí mua vắc-xin, tiêm phòng cho nhân dân là một việc cần thiết. Đây là thể hiện văn hóa truyền thống - tương thân tương ái của dân tộc ta, tính nhân văn, cộng đồng của Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mọi đóng góp của nhân dân vào cho Quỹ tuy là nhỏ bé, nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn, đó là toàn dân chúng ta đều được tiêm phòng để phòng chống dịch bệnh. Tuy là cán bộ nghỉ hưu, nhưng tôi cũng đồng lòng hưởng ứng, góp chút công sức của mình vào Quỹ, tôi cũng sẽ vận động con, cháu cùng tham gia”.
Đúng như những gì cụ Nguyễn Ngọc Thư chia sẻ, việc đóng góp của nhân dân vào Quỹ tuy rất nhỏ, nhưng lợi ích từ Quỹ lại vô cùng lớn. Với kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, mọi người dân trên mọi miền Tổ quốc, không phân biệt giàu nghèo, sẽ được hưởng lợi ích từ Quỹ này mang lại; được tiêm vắc-xin để phòng, chống dịch Covid-19.
Tham gia đóng góp là trách nhiệm của người dân với Tổ quốc
“Không phải đến bây giờ tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc, nhường cơm sẻ áo của nhân dân Việt Nam chúng ta mới có. Mà trước đó, khi đất nước gặp khó khăn, trong chiến tranh và thiên tai, tinh thần đó đã luôn hiện hữu. Tinh thần đó bây giờ lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn, cùng chung tay, sẻ chia với nhau để chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho chính mình và mọi người. Chính phủ không phát động thì tôi cũng tham gia, chứ Chính phủ phát động thì là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người”, ông Nguyễn Văn Hùng ở phố Thạch Cầu, phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết.
Ông Hùng tâm tư, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4), xem trên các phương tiện thông tin, tôi thấy y, bác sỹ ở các tỉnh, thành về chi viện cho Bắc Giang, họ thật sự là những người anh hùng trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, với nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C, ở trong nhà cũng cảm thấy khó chịu chứ đừng nói đến việc phải mặc bộ đồ bảo hộ để lấy mẫu như các y, bác sỹ. Nhưng, họ phải chấp nhận gian khổ, xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ của mình. Muốn cho các y, bác sỹ, những người tham gia chống dịch không chỉ ở Bắc Giang, mà ở các tỉnh, thành khác trên cả nước đỡ vất vả, được về với gia đình, chúng ta phải thực nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống, dịch Covid-19.
Muốn chiến thắng dịch bệnh, nhất thiết phải có vắc-xin để tiêm phòng, trong lúc này, sự đóng góp của tất cả mọi người đều vô cùng quý, cho dù chỉ là những đồng tiền nhỏ, nhưng cũng thể hiện được tình thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của người Việt. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết lại trỗi dậy, ngay sau khi Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 ra mắt và Thủ tướng Chính phủ phát biểu, kêu gọi toàn dân chung tay ủng hộ, đóng góp vào quỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tôi cũng đóng góp một phần nhỏ bé của mình, mong sao dịch bệnh qua mau để bình yên đến được với mọi người, mọi nhà.
Nghĩa cử cao đẹp của một gia đình
Ông Lê Văn Đệ (thương binh chống Mỹ 2/4, ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã vận động con cháu trong gia đình chung tay vì cộng đồng ủng hộ 4,5 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có 4 người con đều thành đạt. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Sơn, gia đình ông nhiều lần ủng hộ thôn, xóm, xã làm đường, đình, chùa... Gia đình ông Đệ là hộ đầu tiên trong tỉnh Hải Dương hỗ trợ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 với kinh phí lớn như vậy.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, gia đình ông đã vận động con, cháu ủng hộ gồm 500 triệu đồng tiền mặt và 4.000 tấn xi măng Hữu Nghị, trị giá khoảng 4 tỷ đồng chung tay vì cộng đồng mua vắc-xin phòng chống Covid-19.
Thật đáng trân trọng khi Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước cùng chung sức, chung lòng dập dịch Covid-19. Ngay sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tự nguyện tham gia đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Vì sự bình yên của mọi người, mọi nhà
Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19: “Trong phương pháp chống dịch, ta không được lựa chọn giải pháp dễ làm mà ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, mà chỉ phong tỏa những vùng bị dịch và giãn cách ở vùng có nguy cơ, duy trì cuộc sống bình thường bằng cách khoanh vùng, cách ly, truy vết”.
Thủ tướng đã nêu lại những năm 1945 trước tình thế “ngàn cân treo sợ tóc”, hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta đã cùng đóng góp cho Quỹ độc lập, góp phần thiết thực cho cuộc kháng chiến kiến quốc thành công.
Thủ tướng bày tỏ: “Với tinh thần thương người như thể thương thân, sự chia sẻ, cảm thông, trách nhiệm của nhân dân với Nhà nước, chúng tôi tin tưởng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài”.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đồng bào trong và ngoài nước cùng đồng lòng, đồng hành, chia sẻ để cùng chiến thắng đại dịch, xây dựng Việt Nam an toàn, mạnh khỏe, thịnh vượng.
Trước đại dịch Covid-19, lòng yêu nước, tinh thần văn hóa tương thân tương ái, trách nhiệm với dân tộc, với cộng đồng,... lại trỗi dậy, trở thành một sức mạnh để cả dân tộc ta, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, để bình yên sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.