Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 12 năm 2017 | 1:32

Sắc xanh no ấm ở Đà Bắc

Nhìn những vạt mía, gừng, vừng, ngô xanh trải dài khắp đồi núi, ông Ngô Văn Dũng ở xã Tu Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) hồ hởi khoe: Nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách để chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà trong xã nhiều người đã thoát nghèo. Vui nhất là bà con đã thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế gia đình.

Người nghèo ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc vay vốn chính sách nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện sông Đà.

Huyện nghèo 30a Đà Bắc có 17/20 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn được thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ về sản xuất, nhà ở, giáo dục… và tăng dần sự chủ động tiếp cận các chương trình dự án như Chương trình 135, dự án di dân tái định cư lòng hồ sông Đà, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện phát triển đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm mở ra cơ hội cải thiện dân sinh, tạo việc làm mới, tăng thêm thu nhập.

Nhiều hộ dân, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tích cực tham gia các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng gừng tại xã Đồng Chum, một số tiểu dự án giảm nghèo như nuôi dê tại xã Trung Thành, nuôi cá lồng tại xã Vầy Nưa, nuôi lợn sinh sản ở xã Cao Sơn…

Đặc biệt, đồng bào xã vùng lòng hồ sông Đà Vầy Nưa đã vay gần 20 tỷ đồng từ NHCSXH huyện Đà Bắc đầu tư khai thác 3 thế mạnh là trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản. Từ nguồn vốn quý này, nhiều gia đình các xóm, bản trên cao đẩy mạnh nuôi trâu, bò, thực hiện biện pháp thâm canh, cải tạo đất, đưa 100% giống lúa, ngô lai vào đồng ruộng  thay cho giống cũ thoái hóa. Còn các xóm Nưa, Xăng Trạch, Bì Dương ven lòng hồ sông Đà phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Nhờ vậy, số hộ nuôi cá lồng và số lồng cá của xã Vầy Nưa tăng nhanh, từ 30 hộ nuôi khoảng 50 lồng cá trong năm 2005, nay tăng lên 120 hộ nuôi 235 lồng với sản lượng 30 tấn, đánh bắt cá hồ được 54 tấn, tôm 38 tấn.

Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, ông Đinh Văn Hùng cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi cơ bản giải quyết được nhu cầu bức thiết, nhất là về nguồn vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy, sau khi được vay vốn, các gia đình đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống, trả nợ, nộp lãi đúng quy định. Vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho xã chúng tôi đa dạng hóa ngành nghề, xóa nghèo bền vững”.

Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc Nguyễn Bình Nam cho hay: “Sau 15 hoạt động, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi luôn được bảo toàn và không ngừng phát triển, hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư trên bàn đạt 290 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng so với năm 2003. Tính đến nay đã có trên 35.830 lượt hộ vay vốn, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 13 chương trình tín dụng đang triển khai, với doanh số cho vay 262 tỷ đồng và số hộ nghèo đang còn dư nợ trên 4.400 hộ, mức dư nợ bình quân 26 triệu đồng/hộ”.

Tiêu biểu là Hội CCB huyện Đà Bắc đã nhận uỷ thác số vốn gần 60 tỷ đồng với 2.867 hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đây là một trong những nguồn vốn chính giúp hội viên CCB có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trong đó ông Ngô Văn Dũng, xã Tu Lý xây dựng mô hình trồng vừng kết hợp chăn nuôi, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hay gia đình cựu chiến binh - thương binh Bàn Văn Sảng đã tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có mở rộng nghề mây tre đan, trở thành gương sáng làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa nghèo ở xã Mường Chiềng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, NHCSXH huyện Đà Bắc tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vừa tích cực tuyên truyền vận động, củng cố chất lượng hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ định góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Đông Dư

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top