Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/ TT – BTNMT quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ - CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trong đó, có bổ sung thêm quy định thêm tên những thành viên trong gia đình vào trong sổ đỏ. Điều này được nhiều chuyên gia nhận định liệu có khả thi hay sẽ làm gia tăng thêm các thủ tục hành chính, chồng chéo các văn bản pháp luật với nhau.
Kỳ vọng kiểm soát được tài sản tham nhũng
Theo đó, trong Thông tư số 33/2017/ TT – BTNMT vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT - BTNMT thì quy định, “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong Thông tư số 33/2017 đã bổ sung thêm, “cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) vào trong sổ đỏ.
Thông tư số 33/2017, cũng sửa đổi, bổ sung các vấn đề khác như: Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 5, “cá nhân trong nước thì ghi “ông” (hoặc “bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”.
Nhiều ý kiến lo ngại việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ liệu có khả thi khi Thông tư chính thức có hiệu lực
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017 được kỳ vọng sẽ kiểm soát được các nguồn tài sản bất minh, biện pháp để phòng chống tham nhũng. Theo đó, việc ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là một cách để kiểm kê tài sản của những người cần phải kê tài sản. Ngăn chặn lợi dụng kẽ hở hiện nay nhằm tẩu tán tài sản, không kê khai hoặc cố tình không kê khai tài sản hoặc lấy tài sản cho con, người thân trong gia đình đứng tên sở hữu.
Liệu có khả thi?
Việc Thông tư số 33/2017 được ban hành, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng liệu khi vận dụng vào thực tế có khả thi không hay chỉ làm tăng các thủ tục hành chính, gây hiện tượng chồng chéo trong các văn bản của pháp luật.
Trước những băn khoăn việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, cơ quan ban hành Thông tư số 33/2017 cho rằng quy định này nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình.
Đồng thời các quy định của thông tư sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Trái với quan điểm trên, trả lời báo chí GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự. Bởi lẽ đối với con cái trong gia đình thì trong bộ Luật Dân sự đã nói về quyền thừa kế. Con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản. Việc thêm tên các con vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó.
Cùng với đó GS. Đặng Hùng Võ cũng nêu vấn đề, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp. “Phải xác định rõ được con cái có đóng góp vào tài sản hay không, hay chỉ có vợ và chồng. Chuyện tài sản là chuyện cần cẩn thận, chứ không phải chúng ta đưa tên vào đó một cách vô cớ”, ông Võ nhận định.
Liên quan tới vấn đề này, theo Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh cho rằng, xét ở góc độ thị trường giao dịch bất động sản, Thông tư số 33/2017 khi chính thức có hiệu lực, có thể sẽ làm phức tạp thêm một số vấn đề về mặt giao dịch bất động sản. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhận định, trước khi Thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức có hiệu lực thì cần có thời gian để lắng nghe những phản biện về chính sách của các nhà làm luật, các cơ quan pháp luật có liên quan, xem xét dưới góc độ thị trường… . để trả lời các vấn đề còn chưa rõ ở trong thông tư./.
Lại Hùng – Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.