Thực hiện lời kêu gọi đầu tư của chính quyền tỉnh Sóc Trăng, Doanh nghiệp tư nhân Vựa heo Tý đã đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, cơ sở này sắp phải đóng cửa vì… lỗ.
Lò mổ hiện đại được doanh nghiệp đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng đang phải bỏ không.
Doanh nghiệp “điêu đứng” vì thực hiện… “đề án”
Được biết, cơ sở giết mổ động vật tập trung này được xây dựng ở phường 8, TP.Sóc Trăng, trên diện tích 13.000m2, công suất 800 con heo, 300 con trâu, bò cùng hơn 3.000 con gia cầm/ngày với giá trị đầu tư trên 30 tỷ đồng. Rất tiếc là chưa khi nào cơ sở này hoạt động hết công suất.
Trao đổi với phóng viên, bà Tiết Thị Tố Như, chủ doanh nghiệp bức xúc cho biết: "Mặc dù đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 nhưng hiện nay cơ sở đang hoạt động hết sức cầm chừng, mỗi ngày chỉ mổ được trên dưới 100 con gia súc, thậm chí có ngày chỉ được 70-80 con, không đủ chi phí điện nước, nhân công… nói chi đến lãi suất vay ngân hàng, sắp tới chúng tôi phải bán luôn cơ sở vì theo không nổi".
Theo Quyết định số 814/QĐHC-CTUBND ngày 12/8/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, thực hiện phương thức giết mổ theo hướng tiên tiến, hiện đại, xóa dần phương thức giết mổ thủ công; giảm nguy cơ vấy nhiễm dịch bệnh trên sản phẩm động vật; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn dịch tễ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì đến năm 2015 sẽ chấm dứt hoạt động đối với 48 điểm giết mổ nhỏ lẻ, 3 cơ sở giết mổ tập trung nằm trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; di dời 4 cơ sở nằm trong khu dân cư đến địa điểm quy hoạch mới…
Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, đến nay, nhiều cơ sở giết mổ vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn tăng công suất giết mổ lên gấp đôi, ngang nhiên thách thức dư luận dù nằm trong diện phải chấm dứt hoạt động, buộc phải di dời ra khỏi du dân cư. Các cơ sở giết mổ này hầu như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, không đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động; gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...
“Ưu ái” cơ sở giết mổ nằm trong khu vực đông dân cư
Theo tường trình của DNTN Vựa heo Tý, cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu đông dân cư theo đề án đã được phê duyệt. Thế nhưng đến nay, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn được Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên “ưu ái” kiến nghị đến các cơ quan chức năng kéo dài thời gian hoạt động đến hết năm 2016 và phải có chính sách hỗ trợ.
Theo Công văn số 13/CV-TY ngày 15/1/2016 của Trạm Thú y Mỹ Xuyên gửi UBND huyện Mỹ Xuyên và các cơ quan chức năng, ngày 8/7/2015 chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm có làm tờ trình xin gia hạn hoạt động đến hết năm 2015 thì sẽ tiến hành di dời, thế nhưng đến nay cơ sở này vẫn hoạt động không thực hiện đúng cam kết, thậm chí còn tăng công suất giết mổ từ 100-120 con/ngày lên 200-220 con/ngày, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh. Trạm Thú y Mỹ Xuyên kiến nghị UBND huyện Mỹ Xuyên chỉ đạo các phòng ban có liên quan và UBND xã Đại Tâm phối hợp kiểm tra, hỗ trợ di dời đúng quy định của pháp luật, đồng thời có ý kiến chỉ đạo xử lý cơ sở này nhằm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo theo Quyết định 841/QĐHC-CTUBND của UBND tỉnh Sóc Trăng.
Đến ngày 29/2/2016, ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên ký Công văn số 83/UBND-VP ngày 29/2/2016 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị hướng giải quyết cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm, nội dung công văn khẳng định: Nội dung quy hoạch chưa thật sự hợp lý đối với cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm. Hiện tại công suất giết mổ thực tế của cơ sở là 180-220 con heo/ngày. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì công suất giết mổ của cơ sở này giảm xuống chỉ còn 50 con heo/ngày. Đồng thời kiến nghị giữ nguyên công suất giết mổ thực tế của cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm 180-220 con heo/ngày, gia hạn thời hạn di dời, và không “quên” kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ việc di dời của cơ sở?!
Vì lẽ gì UBND huyện Mỹ Xuyên lại “nhiệt tình” giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm như thế? Trong khi các cơ sở được đầu tư quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại đang phải chịu “thế” bất lợi trong việc cạnh tranh về giá thành với các cơ sở giết mổ “chui”, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Có điều gì khuất tất trong vụ việc này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Nguyên Anh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.