Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 2 năm 2016 | 2:4

Sóc Trăng dồn sức chống hạn, mặn

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5.787,78ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Trong đó, huyện Trần Đề có 2.370,16ha, huyện Mỹ Xuyên 1.114,69ha, huyện Long Phú 1.092ha,… Hiện, đã có 2.320ha thiệt hại trên 70%, giá trị thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, cho biết: Năm 2015, mùa mưa đến muộn hơn so với năm trước khoảng 20 ngày, tổng lượng mưa ở mức 1.055,1 - 1.496,3mm, chỉ đạt 55,9 - 92,5% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời đoạn. Năm 2016, mặn trên địa bàn tỉnh xâm nhập khá sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Theo số liệu, hiện nay, xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng ở Sóc Trăng khoảng 65km, cao hơn so với nhiều năm trước.

Nhiều diện tích hoa màu của nông dân bị thiệt hại nặng nề do hạn mặn.

Theo số liệu của các trạm, độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề là 21,7‰, thấp nhất là 14,4‰. Tại Long Phú, độ mặn cao nhất 17,7‰, thấp nhất là 8,8‰. Tại Đại Ngãi cao nhất là 7,6‰, thấp nhất là 2,8‰. Độ mặn cao nhất ở An Lạc Tây là 1,1‰, thấp nhất là 0,3‰. Độ mặn cao nhất trên sông Dù Tho tại Tham Đôn là 10,9‰, thấp nhất là 9,4‰. Tại Thạnh Phú (Nhu Gia), cao nhất là 6,8‰, thấp nhất là 3,6‰. Tại phường 4 (TP.Sóc Trăng), cao nhất là 5,5‰, thấp nhất là 2,9‰. Tại Ngã Năm giáp ranh Bạc Liêu, cao nhất là 0,2‰, thấp nhất là 0,1‰. Với con số đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đã trình UBND tỉnh này công bố thiên tai do ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn.

Tại huyện Trần Đề, nông dân đang thu hoạch đại trà vụ lúa đông xuân nhưng do nước trên các sông rạch cạn kiệt nên khó khăn trong việc đưa máy móc xuống ruộng cũng như vận chuyển lúa khiến giá thành tăng cao hơn so với trước. Thương lái mua lúa cũng không thể đưa ghe tàu có trọng tải lớn vào tận ruộng nên tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi chi phí vận chuyển một bao lúa từ ruộng ra đến đường giao thông lên tới 5.000 – 7.000 đồng.

Trong khi đó, xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) có trên 1.000ha lúa đang thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến năng suất. Trước tình hình trên, xã đã huy động nhiều máy bơm công suất lớn để cứu lúa, nguồn nước được lấy từ tuyến Quản lộ Phụng Hiệp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, cho biết: “Năm nay do nắng hạn về sớm, mặn xâm nhập sâu nên việc vận hành cống cung cấp nước cho nông dân lấy nước vào đồng ruộng sớm hơn gần 1 tháng so với những năm trước. Để khắc phục tình trạng này, xã đã chủ động tập trung các máy bơm công suất lớn lấy nguồn nước để cứu lúa”.

Huyện Kế Sách có 11.558ha lúa vừa được xuống giống. Tổng diện tích thiệt hại do mặn xâm nhập đã lên đến 750ha, trong đó thiệt hại dưới 10% hơn 263ha, từ 10 - 30% là 470ha, từ 30 - 70% hơn 6,5ha.

Thạc sĩ Vũ Bá Quan, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách, khuyến cáo: “Để giảm thiệt hại do hạn và mặn, trước mắt, đối với diện tích bị nhiễm mặn ít, bà con cần tích cực chăm sóc cho lúa mau phục hồi bằn­g cách bổ sung thêm urê, kali, phòng trừ sâu cuốn lá sớm; tuân thủ đúng kế hoạch lấy nước và trữ nước do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Đối với cây màu nên áp dụng các biệp pháp tưới nước tiết kiệm”.

Chị Sơn Thị Huỳnh Ny ở khóm 3 (phường 5, TP.Sóc Trăng) chỉ vào ruộng  của mình đang ngâm mình trong nước mặn, lúa đã chết gần hết, chỉ còn lèo tèo vài cây nhỏ như cây tăm than thở: “Hồi đầu, gia đình tôi cố gắng bơm nước vào với hy vọng cứu được nhưng càng bơm lúa càng chết nên bây giờ phải bỏ luôn”. Không chỉ lúa bị thiệt hại, chị Ny còn có trên 2.000m2 bắp cải đã 45 ngày nhưng do tưới nước nhiễm mặn nên không lớn nổi. “Vụ trước với 2 công bắp cải tôi cũng kiếm được hàng chục triệu đồng, còn bây giờ xem như mất trắng”, chị Ny nói.

Còn ông Liêng Văn Phước ở ấp Trường Thành A (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) cho biết: “Tôi xuống giống trên 8.000m2 lúa nhưng hư hoàn toàn do nhiễm mặn quá sớm. Hồi đầu tôi cũng bơm nước cho lúa nhưng theo dõi thông tin nhiễm mặn trên sông tôi không bơm nữa vì nếu có bơm cũng không cứu được. Thà bỏ luôn từ đầu chịu lỗ 4-5 triệu đồng chứ đeo hết vụ chắc lỗ nhiều hơn nữa”.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, chiều 23/2, UBND tỉnh chính thức công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn.

Hiện, đã có 6/11 huyện, thị xã ở Sóc Trăng bị mặn xâm nhập, độ mặn cao nhất hơn 10‰. Toàn tỉnh đã có hơn 10.000ha lúa bị ảnh hưởng mặn và hạn, trong đó có 902ha bị mất trắng, thiệt hại 38,9 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng yêu cầu ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương thống kê tình hình thiệt hại, khuyến cáo bà con nông dân tiến hành xuống giống theo đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn.

Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 4 địa phương công bố thiên tai là Sóc Trăng, Long An, Bến Tre và Kiên Giang.

Chỉ vào những ruộng lúa xung quanh, ông Phước cho biết thêm: “Nhìn xa thấy xanh vậy chứ lại gần chết nhiều lắm. Lúa này dù có trổ bông nhưng hạt không chắc, năng suất thấp, chất lượng gạo kém”.

Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, ở huyện Long Phú còn có hàng trăm hécta mía đang thiếu nước trầm trọng khiến cho nhiều ruộng mía không thể đẻ nhánh, trở nên còi cọc và có nguy cơ chết trắng. Nhiều hộ nông dân trồng mía ở xã Long Phú (huyện Long Phú) đang lo vì nước ở kênh có độ mặn cao, không thể lấy vào ruộng dù mía đang ở giai đoạn phát triển.

Theo kế hoạch, diện tích mía niên vụ 2015-2016 ở huyện Long Phú đạt khoảng 300ha, mọi năm đến cuối tháng 3 âm lịch thì toàn bộ diện tích đã xuống giống xong, nhưng hiện nay toàn huyện chỉ mới xuống giống khoảng 30-40% diện tích do nắng hạn và mặn xâm nhập sớm.

Trước tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp và dự báo sẽ còn kéo dài, ngành chức năng Sóc Trăng chú trọng vận hành công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt đối với các vùng dự án có khả năng ảnh hưởng thiếu nước, xâm nhập mặn. Về lâu dài, nhằm hạn chế thiệt hại, đồng thời chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước cho sản xuất, năm 2016, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiến hành rà soát, có kế hoạch nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh thủy lợi, cống ngăn mặn với tổng kinh phí khoảng 392 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn cho tỉnh là 219 tỷ đồng; sớm hỗ trợ Sóc Trăng đầu tư dự án tưới trên 6.000ha hành tím tại thị xã Vĩnh Châu; sớm thành lập Hội đồng quản lý dự án Quản lộ Phụng Hiệp để phối hợp điều hành, quản lý, khai thác và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng, độ mặn giúp công tác vận hành hệ thống đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất.

Vụ đông xuân 2015-2016, Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu hecta. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng thiệt hại là 61.741ha (Kiên Giang 29.861ha, Bạc Liêu 5.781ha, Tiền Giang 987ha, Bến Tre 6.878ha). Thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn vẫn rất căng thẳng, diện tích ảnh hưởng có thể tăng thêm.

Trước tình hình hạn, mặn lịch sử tại miền Tây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng như vốn ODA. Trước mắt, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ kinh phí chống hạn của các địa phương để có hỗ trợ kịp thời.

 

Cao Xuân Lương

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top