Với người dân Văn Yên (Yên Bái), cây quế được mệnh danh là “cây vua”, bởi so với các loại cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị kinh tế cao hơn.
Vì vậy, quế trở thành cây chủ lực để giảm nghèo của người dân địa phương. Biết tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách là chìa khóa giảm nghèo thành công của Văn Yên.
Quế - cây chủ lực xoá nghèo
Văn Yên có địa hình chủ yếu là đồi núi, phù hợp sản xuất nông - lâm nghiệp và kinh tế đồi rừng. Khi huyện có chủ trương phát triển cây quế hàng hóa, nhiều hộ đã chuyển sang trồng loại cây này. Vì cây quế phù hợp với đất đai, khí hậu Văn Yên; cây quế sống khỏe trên đất bạc màu, đất xói mòn.
Điều quan trọng hơn về giá trị kinh tế - quế là “cây vua” so với các loại cây lâm nghiệp khác. Bởi quế là cây đa lợi ích. Từ vỏ, thân gỗ, lá cành, gốc rễ đều có giá. Người trồng quế vất vả 2 năm đầu vì phải làm cỏ mỗi năm 2 lần, sau đó cây tự sinh trưởng. Từ năm thứ 5 trở đi đã tỉa thưa, lấy cành, lá bán. Với giá: lá quế 1.000 đồng/kg, cành nhỏ, khô 5.000 đồng/kg; vỏ quế khô khoảng 38.000 đồng/kg; gỗ quế từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/m3. Ước tính, 1ha trồng quế cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Quế trở thành cây trồng chủ lực để giảm nghèo của 12 dân tộc sinh sống ở Văn Yên.
Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: “Quế ngày xưa là cây giảm nghèo, giờ đây có thể coi là cây làm giàu cho bà con nông dân huyện Văn Yên. Hàng năm thu nhập từ quế đóng góp vào thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng đối với tổng dân số huyện”.
Theo ông Lê Huy, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Sơn, quế không chỉ góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo mà còn đóng góp đưa tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện Văn Yên bình quân mỗi năm giảm trên 6%, từ năm 2015 đến nay, Đại Sơn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 40% còn 17,25% năm 2019. Hằng năm, xã có thu gần 100 tỷ đồng từ cây quế.
Trước đây, người dân huyện Văn Yên chủ yếu trồng ngô, sắn hoặc các loại cây lâm nghiệp như keo, bồ đề cho hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, nhiều hộ đã chuyển sang trồng loại cây này. Hiện cây quế được trồng ở toàn bộ 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên. Cây quế Văn Yên đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã.
Tín dụng chính sách tiếp sức
Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm: “Văn Yên hiện có gần 60.000ha diện tích đất trồng quế, trong đó có 200ha canh tác quế hữu cơ. Mỗi năm Văn Yên khai thác khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô, 300 tấn tinh dầu, trên 60.000m3 gỗ quế và trên 63.000 tấn cành lá mang về cho người dân trong huyện trên 700 tỷ đồng. Thu nhập từ cây quế đóng góp vào thu nhập bình quân toàn huyện khoảng 4 triệu đồng/người/năm. Biết tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách là chìa khóa giảm nghèo thành công của Văn Yên. Mấy năm nay, nhờ nguồn vốn cho vay từ NHCSXH mà nhiều hộ dân có vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng quế. Riêng năm 2019, huyện đạt tổng dư nợ gần 497 tỷ đồng.
Để nâng cao hơn nữa giá trị cây quế, huyện Văn Yên đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế. Đồng thời có chính sách hỗ trợ việc thay đổi giống được tuyển chọn có chất lượng và có nhu cầu thị trường; và triển khai quy trình trồng quế hữu cơ để nâng cao giá trị và bảo vệ môi trường. Mới đây, khi sản phẩm quế được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì cây quế càng được nâng cao giá trị.
Chị Đặng Thị Ton (thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn) trước đây quanh năm chỉ quanh quẩn với cây sắn, cây ngô, cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình. Năm 2014, được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, được chính quyền hỗ trợ, tư vấn cách đầu tư phát triển cây quế. Đến năm 2017, gần 2ha quế của gia đình đã cho thu nhập vài chục triệu đồng từ việc tỉa thưa bán cành, lá. Có thu nhập ổn định, chị đầu tư xây nhà, mua sắm tiện nghi phục vụ cuộc sống. “Trước đây, đồng bào Dao chúng tôi chỉ trồng quế làm thuốc, lấy gỗ làm nhà. Giờ biết trồng quế hàng hóa, có NHCSXH cho vay vốn, có nhiều doanh nghiệp chế biến tinh dầu, thu nhập từ quế khá lên. Quế bóc, tỉa đến đâu thương lái đến tận nơi mua hết, không bị ép giá. Dân chúng tôi vui lắm, phấn khởi lắm”, Chị Ton chia sẻ..
Viễn Sơn hiện có 2.600ha quế, dư nợ tín dụng chính sách năm 2019 hơn 19 tỷ đồng, trong đó gần 15 tỷ đồng là dư nợ của đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn vay, ngoài phát triển cây quế, bà con còn mua trâu, bò sinh sản; mua máy móc, vật tư nông nghiệp, đào ao thả cá, xây dựng công trình cung cấp nước sạch,…