Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2020 | 14:28

“Sứ giả”đưa tín dụng chính sách đến với đồng bào vùng cao

Ngân hàng Chính Sách Xã Hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đang góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

tr5.jpg
Hộ nông dân Nguyễn Văn Hiên tại thị trấn Thanh Nhật (huyện Hạ Lang) được vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để chăn nuôi trâu sinh sản.

 

Đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với đồng bào dân tộc vùng cao nơi biên cương Tổ quốc, trở thành “điểm sáng” của hành trình giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính Sách Xã Hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đang góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

 

tr5a.jpg
Chị Nông Thị Minh Luyến (xóm Nà Rị, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An), chủ cơ sở sản xuất bún khô làm từ nguyên liệu tự nhiên.

 

Với vai trò là “sứ giả” đưa tín dụng chính sách của Chính phủ đến với đồng bào vùng cao, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 24/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40),  thời gian qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là hộ nghèo ở các xã vùng sâu, biên giới, xã đặc biệt khó khăn, giúp họ có cơ hội “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo.

 

tr5b.jpg
NHCSXH chi nhánh huyện Hạ Lang đang thực hiện giao dịch tại xã Thắng Lợi (huyện Hạ Lang).

 

Theo đó, mạng lưới rộng khắp và hệ thống Điểm giao dịch được triển khai đến 100% số xã, phường, thị trấn, xuống tận thôn, bản trên địa bàn tỉnh, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi thuận lợi, tiết giảm chi phí. Với 14 chương trình cho vay tín dụng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH.

 

tr5c.jpg
Gia đình chị Đinh Thị Thớm (hộ cận nghèo xóm Khuối Sàng, xã Hồng Nam) với mô hình trồng bí thơm.

 

Trong đó, tập trung chủ yếu  ở 5 chương trình lớn (chiếm trên 91% tổng dư nợ) như: cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tính đến hết 30/11/2019, tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.576 tỷ đồng, giúp cho 131.609 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với hơn 62.300 khách hàng đang còn dư nợ, đạt bình quân 41 triệu đồng/khách hàng, bình quân tăng trưởng tín dụng trong 3 năm gần đây đạt 7,4%/năm.

 

tr5d.jpg
Hộ nông dân Nông Văn Quyết ở xã Đức Quang  (huyện Hạ Lang) được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu sinh sản.

 

Góp phần tạo việc làm cho trên 169.500 lượt lao động; 1.944 em học sinh - sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, “không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền nộp học phí”; xây dựng trên 35.274 công trình nước sạch và vệ sinh (đặc biệt là giúp hộ dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở); xây dựng 1.812 ngôi nhà cho hộ nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống đáng kể (năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng là 34,77%; đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 39.275 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,06%).

Chị Nông Thị Minh Luyến ở xóm Nà Rị (xã Nam Tuấn, huyện Hòa An), chủ cơ sở sản xuất bún khô làm từ nguyên liệu tự nhiên, cho biết: Năm 2016, được vay 62 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tôi đầu tư sản xuất bún khô và bánh chấm. Đến nay, cơ sở đã cung cấp cho thị trường thành phố Cao Bằng khoảng 400kg bún khô và 350kg bánh chấm mỗi ngày, giúp cho gia đình có thu nhập ổn định, làm giàu trên chính quê hương mình.

Chị Đinh Thị Thớm, hộ gia đình cận nghèo ở xóm Suối Sàng (xã Hồng Nam, huyện Hòa An) thì lại cho hay: Năm 2017, gia đình được vay 50 triệu đồng đầu tư trồng bí thơm và 300 cây quýt, chăn nuôi lợn. Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên, đã trả cho NHCSXH 20 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn cho vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư nuôi gần 40 tổ ong và chăm sóc 6 con trâu sinh sản. Theo đà này, thời gian tới, gia đình sẽ có nguồn thu khá hơn.

tr5e.jpg
Chăn nuôi trâu, bò giúp nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình.

 

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trở thành công cụ đắc lực, đòn bẩy, tiếp sức, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giảm các tệ nạn xã hội, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, ổn định đời sống, an ninh chính trị, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

 


 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top