Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2019 | 15:50

Sự trùng hợp kỳ lạ trong 2 chiến thắng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX

Trong hai chiến thắng lịch sử này, tuy có khác nhau về thời gian, không gian nhưng lại có nhiều điểm tương đồng.

ngày-7-5-1954-lá-cờ-quyết-chiến-quyết-thắng-của-quân-đội-nhân-dân-việt-nam-tung-bay-trên-nóc-hầm-tướng-de-castrie-kết-thúc-oanh-liệt-cuộc-kháng-chiến-chống-pháp-ảnh-tư-liệu.jpg
Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu.

 

Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược được đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đưa đất nước ta thoát khỏi ánh đô hộ của chế độ thực dân cũ. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đem lại đại thắng mùa Xuân 1975, non sông thu về một mối. Trong hai chiến thắng lịch sử này, tuy có khác nhau về thời gian, không gian nhưng lại có nhiều điểm tương đồng.

Hai chiến dịch đều kết thúc trong 56 ngày đêm

Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 5 chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, khẳng định: “Trên thế giới, trong lịch sử loài người nói chung, chưa có một cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của bất cứ quốc gia nào lại có một sự trùng lặp dấu mốc lịch sử vĩ đại như cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do cho đất nước của dân tộc Việt Nam”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ  bắt đầu ngày 13/3/1954 bằng việc bộ đội Việt Nam bắt đầu đánh chiếm các vị trí ở phía Bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Kết thúc vào 17 giờ 30 ngày 7/5/1954 bằng việc bộ đội đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống toàn bộ tướng lĩnh của Thực dân Pháp, trong đó có tướng De Castries. Cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc hầm De Castries, đánh dấu 9 năm kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta và kết thúc “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Quân đội ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giống như Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng diễn ra trong 56 ngày. Ngày 4/3/1975, quân đội ta bắt đầu tấn công TP. Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch. Sau 56 ngày đêm, cũng 5 cánh quân (Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Quân đoàn 232) chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Quyết chiến, quyết thắng”.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, xe tăng đã húc đổ cánh cổng sắt lớn trước cửa Dinh Độc lập. Trung úy Bùi Quang Thận đã tiến lên cắm lá cờ Cách mạng trên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời khắc lịch sử vĩ đại, đánh dấu một mốc son chói lọi: Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.

Hai cuộc chiến tranh đều có sự đồng lòng của cả dân tộc

Trong cả hai chiến dịch, ta đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để đảm bảo một trận quyết thắng từ công tác hậu cần, quân y, mở đường, sửa đường, các lực lượng chiến đấu. Ta đã huy động được dân công, thanh niên xung phong, nhân dân các vùng tự do tiếp tế cho chiến dịch với hàng trăm, nghìn xe vận tải, xe đạp thồ, thuyền, ca nô,... vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men và mở và sửa mới hàng trăm kilômét đường (trong chiến dịch Điện Biên Phủ) và hàng nghìn kilômét đường (trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân  1975) ra mặt trận. Ta cũng đã tổ chức, vận động và phối hợp tốt các lực lượng chiến đấu tại chỗ và bộ đội chủ lực, tạo nên thế và lực mới trong những trận đánh có tính chất quyết định của chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

lá-cờ-cách-mạng-trên-nóc-dinh-độc-lập-ngày-30-4-1975.jpg

Lá cờ Cách mạng trên nóc Dinh Độc lập ngày 30-4-1975.

 

Tuy số liệu thống kê tại mỗi thời điểm, mỗi trận đánh là khác nhau nhưng về cơ bản, tinh thần “cả nước ra trận” lần đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại một lần nữa được khắc họa rõ nét trong cuộc chiến cuối cùng đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Thời nào cũng vậy, là chiến tranh chính nghĩa, là tự do, độc lập và hạnh phúc, nhân dân Việt Nam nguyện một lòng thà hy sinh tất cả chứ “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới.

Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lòng yêu nước và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Hai chiến dịch, hai cách đánh

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn nhất, lần đầu ta phối hợp đánh hiệp đồng binh chủng với sự tham tham của lực lượng bộ binh và pháo binh mạnh. Trong trận đánh này, pháo binh đánh mở màn, áp chế địch quân, mở cửa và tạo thời cơ để bộ binh tiến lên tiêu diệt địch, là bất ngờ lớn nhất ta giành cho địch, góp phần to lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, “chưa từng có” ở Đông Dương

xe-tăng-húc-đổ-cổng-dinh-độc-lập-ngày-30-4-1975.jpg
Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

 

Đất nước ta vừa giành được độc lập đã phải bước ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp, quân đội ta còn rất non trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa có nhiều. Chính vì vậy, với chủ trương ban đầu là “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến Dịch Điện Biên phủ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi bằng “Đánh chắc, tiến chắc”, đây là một trong những quyết định quan trọng nhất của Đại tướng trong Chiến dịch này để bảo toàn được lực lượng và bảo đảm cho chiến dịch được thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây là chiến dịch đã tận dụng và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khác với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đã đưa Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi hoàn toàn.

Hai cuộc kháng chiến đã qua đi, những chiến thắng vang dội đã đi vào lịch sử, nhưng những sự kiện của hai chiến thắng này luôn là bài học kinh nghiệm quý báu cho mọi người dân đất Việt.

Trên thế giới hiếm có một quốc gia nào như Việt Nam đã làm nên những sự kiện chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước bằng hai chiến thắng vang dội, đánh đuổi hai đế quốc mạnh để giành lại độc lập tự do, ấm no hạnh phúc cho dân tộc.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa xuân năm 1975 mãi mãi là những bản hùng ca bất diệt của dân tộc ta, sự hy sinh của những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do trong hai cuộc kháng chiến này đều được nhân dân và Tổ quốc ghi nhận.

 

Chung một Tổng tư lệnh

Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn giương cao khẩu hiệu tinh thần đánh thắng cao nhất của Trung ương Đảng và Bác Hồ, có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, đất nước và đưa ra những quyết sách chiến lược quyết định thắng lợi của chiến dịch. Ông cũng chính là người chỉ huy duy nhất, xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trong 9 năm bằng thắng lợi của một loạt các chiến dịch trước đó. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định tài năng thiên bẩm của Đại tướng, một học trò xuất sắc dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, tiếp tục giữ vai trò Tổng tư lệnh chiến dịch, người trực tiếp đưa ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước!” thúc đẩy tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của bộ đội. Cũng chính ông là người chỉ đạo mở đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại dẫn tới thắng lợi của một loạt các trận đánh thắng sau này và thành lập nhiều đơn vị chủ lực của quân đội ta tại miền Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là "Người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top