Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 9 năm 2021 | 0:51

Sức sống hàng Việt từ đổi mới cách tiếp cận thị trường

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội, thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, khẳng định sức sống hàng Việt.

photo-1-1572308519021701157462.jpg
 Tiêu thụ gà đang vô cùng khó khăn.

 

Nông sản ù ứ, giá giảm sâu

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành toàn quốc, việc các chợ dân sinh phải đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách của Chính phủ khiến nhiều tiểu thương bị tồn nghẽn nông sản.

Đơn cử như, Đông Nam Bộ dư 7 triệu con gà, Đồng Nai ùn ứ 80.000 con vịt, 6.000 con dê, còn Bình Dương tồn 2 triệu quả trứng gà mỗi ngày...

Ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Thành Phát kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, giá gà lông trắng đã tăng từ 5.000 lên 17.000 đồng một kg. Tuy nhiên, mức giá này người dân vẫn đang lỗ khoảng 12.000 đồng mỗi kg so với giá thành. Như vậy, một con gà nặng 2-3 kg, người nuôi đang lỗ khoảng 27.000-35.000 đồng.

Ngoài ra, theo ông Quyết, hiện khâu tiêu thụ gặp khó do nhà máy giết mổ chưa hoạt động trở lại. Khâu này đang bị ảnh hưởng mạnh do có F0, F1, số khác thì chưa được tiêm vaccine dù đã đề xuất. Do đó, lượng bán ra hàng ngày chỉ khoảng 30-40% trên tổng đàn đến ngày xuất chuồng.

Ông Quyết cho biết thêm, theo thống kê của Hiệp hội, vùng Đông Nam Bộ đang tồn dư khoảng 5-7 triệu con gà đến ngày xuất chuồng. Hiện, người nuôi đã chủ động giảm đàn khoảng 40% để tránh lỗ nặng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Bình Dương cho rằng, tiêu thụ gà đang vô cùng khó khăn. Mặt hàng trứng cũng đang khó tiêu thụ do các nhà máy sản xuất bánh trung thu không hoạt động như mọi năm. "Hiện mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, Phạm Văn Bông thông tin.

Còn tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Lâm Sinh, ngoài ùn ứ hàng nghìn con heo, 200.000 con gà lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 con chim cút, tỉnh này còn dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn, thủy sản thừa khoảng 1.000 tấn.

Tại Bình Thuận, đại diện Hiệp hội thanh long cho biết, giá mặt hàng này chỉ còn 2.000-6.000 đồng một kg, loại chất lượng cao có thể hơn 10.000 đồng một kg nhưng vẫn khó bán nên nhiều nông dân đổ bỏ trên đồng.

Không chỉ Đồng Nai, Bình Dương..., tại các tỉnh Tây Nguyên, nông sản cũng đang dư thừa khá nhiều. Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch nhưng giá bán giảm 20-30% còn sản lượng tiêu thụ giảm 1/3.

Ông Có cũng cho hay, tỉnh này còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, rau ngót còn 700 tấn. Các mặt hàng dù đã liên tục kết nối nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Với các hàng trái cây, tỉnh có hơn 7.500 ha chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Khoai lang với diện tích hơn 1.000 ha cũng khó bán.

Theo ông Quyết và lãnh đạo Sở Nông nghiệp các tỉnh, 3 tháng nay khi TP HCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội khiến lượng hàng hoá tại nhiều tỉnh ùn ứ nặng. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan ban ngành liên quan đã tìm cách kết nối, tháo gỡ nhưng tình trạng ùn ứ vẫn chưa giải quyết triệt để.

Nguyên nhân là sức mua thấp, kênh phân phối còn bị gián đoạn do giãn cách xã hội kéo dài. Mặt khác, đối với các mặt hàng gia súc, gia cầm lượng bán ra thị trường chỉ đạt khoảng trên 40%. Các cơ sở giết mổ vẫn chưa thể hoạt động lại vì nhân viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đang là F0, F1. Do đó, hàng bị dư thừa khiến giá giảm sâu. Đặc biệt, theo ông Quyết nếu 3 chợ đầu mối tại TP HCM không thể hoạt động trở lại, tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đề nghị chính quyền địa phương cần cho sớm mở lại các chợ đầu mối hoặc điểm trung chuyển hàng hoá có quy mô lớn để thúc đẩy tiêu thụ. Các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh thương mại điện tử, cung ứng lương thực thực phẩm cho các đơn vị sản xuất...

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cũng đề xuất tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thành phố đã cho phép sàn thương mại điện tử cũng như doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại. Sắp tới, shipper sẽ được hoạt động liên quận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra cho người dân địa phương.

Theo ông Phương, 7 ngày thí điểm tại Bình Điền cho thấy lượng hàng tăng lên từng ngày, nếu ngày đầu chỉ hơn 10 tấn thì đêm 13/9 đạt hơn 100 tấn. Với kinh nghiệm triển khai thành công bước đầu ở chợ Bình Điền, có thể từ từ mở lại điểm tập kết tại các chợ khác.

Sức sống hàng Việt

Trong khó khăn thị trường đứt gẫy, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trước ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Đây cũng chính là lý do, khi thị trường xuất khẩu bị đứt gẫy, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, đảm bảo cung ứng kịp thời cho thị trường 100 triệu dân.

Các lệnh giãn cách xã hội tại 19 tỉnh thành phía Nam, tiếp đến là một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Hà Nội được thực thi, người dân "ai ở đâu ở yên đó," doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" thì "luồng xanh" lưu thông hàng hóa vẫn được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cùng phối hợp và kịp thời giải quyết khi có sự ách tắc để đảm bảo hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.

Về phía các cửa hàng, siêu thị, để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân yên tâm không ra khỏi nhà khi đang thực hiện giãn cách xã hội đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng bảo đảm đầy đủ, phong phú và cam kết mức giá ổn định.

Điều này góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa và làm thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về hàng Việt, doanh nghiệp Việt.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp và ngành phân phối.

Đây là một trong những động lực thời kỳ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

“Thời điểm này, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song các mặt hàng, phần lớn là hàng Việt không biến động về giá, không có tình trạng khan hiếm hàng tại các siêu thị, người dân cảm thấy yên tâm mua sắm hay yên tâm ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội," ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Khảo sát tại một số siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, Vinmart…, hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ từ 90- 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-96%.

Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

 

ttxvnhanam-1622114628149231927717.jpg
Thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp và ngành phân phối.

 

Nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, một trong những phương thức được đánh giá cao hiện nay trong lưu thông hàng hóa là đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai. Gian hàng Việt trực tuyến được xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Hiện, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ký liên kết với một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, thời gian tới sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có gian hàng Việt. Cục sẽ tiếp tục thúc đẩy để mở gian hàng Việt tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài.

Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), chương trình Gian hàng Việt là siêu thị điện tử để hàng Việt phân phối đi khắp cả nước.

“Quan trọng hơn là giải quyết triệt để vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo bởi nhà sản xuất; hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá,” ông Bùi Huy Hoàng bày tỏ.

Chia sẻ thêm về chương trình, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho hay, Sendo là một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với khoảng 1 tỷ lượt truy cập trong năm 2020. Sendo đang định hướng trở thành một chợ của người Việt, phân phối sản phẩm Việt và hướng tới đông đảo người tiêu dùng ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Sendo đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiều chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với người tiêu dùng.

Qua các chương trình này người tiêu dùng được trải nghiệm nhiều hơn với hàng Việt giá rẻ, chất lượng tốt và ngày càng đa dạng về chủng loại.

Thay đổi cách thức tiếp cận thị trường

Trước tình hình giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản tháng 8 giảm 22% so với tháng 7 và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tháng 9, cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì các bên đã tập trung tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm nếu tình hình dịch bênh còn kéo dài thì mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD là khó hoàn thành. Hiện 2 ngành chủ lực là gỗ và thủy sản, số lượng doanh nghiệp ngừng và giảm hoạt động đã lên mức 50-70%. Chia sẻ những khó khăn tất yếu do giãn cách, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh để tiếp tục duy trì chuỗi sản xuất vai trò địa phương là quyết định, bên cạnh đó không ban hành thêm các thủ tục giấy phép gây ùn ứ. Các tỉnh cần sát cánh với doanh nghiệp để có phương án sản xuất nhằm đảm bảo đơn hàng cuối năm.

Hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ khi lượng hàng hoá tiếp tục dồn về. Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần tính toàn đi bằng bằng đường sắt, đường biển đang thông thoáng. Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị các điều kiện khi từ 1/1/ 2022, Trung Quốc sẽ có thêm một số quy định mới về nhập khẩu nông sản.

 

xuat-khau-nong-thuy-san-sang-trung-quoc-thay-doi-tu-duy-dinh-vi-thi-truong.jpg
XK nông-thủy sản tồn tại nhiều khó khăn do tập quán kinh doanh của doanh nghiệp Việt còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. 

 

Từ trước tới nay Trung Quốc được xem là thị trường truyền thống, rất tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng việc xuất khẩu vẫn thiếu tính bền vững, vẫn còn nỗi lo về ùn ứ, ách tắc cửa khẩu rồi lại tính đến giải cứu nông sản. Hàng rào kỹ thuật hay tiêu chuẩn cao đang ngày càng khắt khe hơn vớt bất cứ thị trường nào. Rõ ràng tiêu thụ nông sản giờ phải tính đến thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, bài bản hơn.

Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp trong câu chuyện làm chủ thị trường nội địa 100 triệu dân thay vì chỉ mải mê "chinh chiến" ở thị trường xuất khẩu, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động kết nối với vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng với chi phí thấp nhất, tạo ưu thế cạnh tranh về giá trên thị trường giữa các kênh truyền thống và hiện đại, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết để vươn lên thành lập các tập đoàn bán lẻ, đủ sức dẫn dắt thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng, sản xuất tại chỗ dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn cộng thêm sức mạnh vốn có của hệ thống phân phối để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Song song với việc thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý cạnh tranh, ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng hàng Việt./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top