Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước.
Song để “giữ chân” khách hàng, doanh nghiệp Việt phải tự đổi mới chính mình, nâng cao chất lượng và tạo sản phẩm cạnh tranh tốt, nhất là trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Chuyển biến trong nhận thức
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn chiếm từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên: Saigon Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Lotte 82%, AEON 80%...
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức 19,8% năm 2008 giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).
Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.
Hiện, một số người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý “sính ngoại” như, hàng nước ngoài đắt hơn đương nhiên sẽ tốt hơn. Bạn tôi, chị Nguyễn Thu Thủy (Cầu Giấy – Hà Nội) thích ăn nho Mỹ, táo Newzealand… dù giá đắt gấp 5-10 lần hàng Việt. Chị cho rằng, nho, táo Việt chua, lại nhanh hỏng nên thà bỏ ra nhiều tiền hơn vẫn chấp nhận mua. Nhưng đó chỉ là tâm lý số ít.
Nhiều người Việt giờ đã chuyển dần sang dùng hàng trong nước. Theo kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 67% người được hỏi cho rằng, từ khi có Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”.
So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014 thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể, tăng dần mua và sử dụng hàng Việt. Cụ thể: năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Không thể phủ nhận, các cam kết hội nhập sâu, rộng đã và đang tạo cơ hội cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Vì vậy, phải hướng đến mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp (DN) phân phối sẽ ưu tiên hơn cho hàng hóa tại nguồn với những lợi thế lớn về khoảng cách địa lý, giá thành, phù hợp với văn hóa tiêu dùng của địa phương…, nhưng nếu những yếu tố đó hàng nước ngoài làm tốt hơn thì hàng Việt Nam sẽ bị “đánh bật”. Do đó, không phải là DN phân phối ưu tiên cho sản phẩm nào mà liệu DN Việt có dám đầu tư công nghệ để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao đưa vào hệ thống phân phối hay không? Nếu hàng hóa không có sức cạnh tranh, không thể đưa vào siêu thị.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp cho DN và giới kinh doanh nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm của DN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của DN.
Bà Nguyễn Thị Đông, Giám đốc Công ty CP Hoa Lan bày tỏ: “Chúng tôi tham gia rất nhiều hội nghị kết nối cung cầu và một số siêu thị đã đến lấy hàng của chúng tôi. Hiện công ty phải mua thêm máy móc thiết bị về thì mới đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị. Người dân cũng ngày càng biết đến các sản phẩm của công ty chúng tôi cho nên họ đã đặt mua rất nhiều. Chúng tôi đã tìm được các nhà phân phối của các tỉnh, họ bán rất tốt các sản phẩm của chúng tôi và tăng trưởng hàng ngày. Có thể nói, cuộc vận động này cực kỳ có lợi cho DN làm ăn chân chính”.
Để người tiêu dùng trong nước tiếp tục tin và yêu thích dùng hàng Việt thì DN, người sản xuất phải không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “10 năm là một chặng đường nhưng đây là chặng đường đầu tiên người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Giai đoạn 2, DN Việt Nam cần nâng cao ý thức về việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã của mình để không chỉ người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam mà DN Việt Nam cần có hàng hóa để chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam”.
Nâng cao giá trị hàng Việt
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đất nước đang đi vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi. Chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Những cơ hội mới to lớn hiện đang xuất hiện cùng với những thách thức ngày càng gay gắt, khốc liệt khi Việt Nam ký kết và tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó trọng tâm vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các DN ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, trong đó thiết lập được các DN phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường song song với việc phát triển DN tư nhân, hợp tác xã, DN đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều dư địa để phát triển thương mại nội địa.
Triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với những giải pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, nhằm hỗ trợ cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh vững chắc tại các kênh phân phối trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải chinh phục người tiêu dùng bằng gu thẩm mỹ, sự độc đáo và giá thành hợp lý. Ngoài ra, để kích thích người tiêu dùng trong nước quan tâm và sử dụng hàng hóa nội địa nhiều hơn, DN cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa… của dân tộc. Chỉ bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, DN mới có thể chinh phục người tiêu dùng Việt". Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.