Sau 10 năm, cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng hóa do các doanh nghiệp Việt sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn.
Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 264-TB/TƯ về tổ chức Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đưa hàng Việt về nông thôn: Hoạt động đa lợi ích
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho biết, trong 10 năm qua, CVĐ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10%/năm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 giảm xuống dưới 5% trong các năm gần đây; tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức 90-95%. Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị có vốn nước ngoài chiếm 60-90%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động chủ yếu của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân vùng nông thôn, miền núi về phân biệt hàng thật, hàng giả, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối với cơ sở bán lẻ, giúp người dân tiếp cận và sử dụng hàng hóa chất lượng, có xuất xứ trong nước.
Thực tế sau 10 năm triển khai CVĐ, lợi ích mang lại cho cả người dân và doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các loại hàng Việt có chất lượng, giá hợp lý; đồng thời, cũng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Đọ, xã Đại Hóa (Tân Yên - Bắc Giang) nói, bình thường, người dân trong thôn phải đi mấy cây số ra trung tâm huyện mới có nhiều hàng hoá để mua sắm. Thế nên, khi nghe cán bộ xã thông báo có đợt bán hàng Việt bình ổn giá, tôi liền đi thông báo với mọi người. Cả thôn ai cũng háo hức chờ đợi. Bà con vui lắm vì hàng hóa mang về toàn là hàng thiết yếu như: dầu ăn, nước mắm, bột giặt, quần áo, đồ dùng nhà bếp..., giá bán lại thấp hơn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Đại Hóa, cho biết: Để đưa được hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng khó khăn là một sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), lợi nhuận không nhiều, thậm chí có khi phải bù lỗ. Thế nhưng, mục tiêu lớn nhất của họ không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm, mà quan trọng, qua mỗi phiên chợ, chuyến hàng về nông thôn, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, sức mua của từng vùng, từng mùa để điều chỉnh sản xuất, lựa chọn mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng nông thôn và tìm kiếm cơ hội đưa hàng vào hệ thống các nhà phân phối, bán lẻ. Vì vậy, dù vất vả, dù trước mắt chịu thiệt thòi, song họ không nề hà.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thực sự là hoạt động mang lại nhiều lợi ích, tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn. Người dân ngày càng nâng cao kiến thức tiêu dùng cũng như trách nhiệm và niềm tự hào đối với sản phẩm hàng hoá trong nước; DN thì từng bước mở rộng thị phần và đối tượng khách hàng, đưa hàng Việt phủ sóng rộng rãi trên thị trường...
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường
Bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Hoa Lan, cho biết, những năm gần đây, công ty đặc biệt quan tâm đến bán hàng trong nước. Cùng với bán hàng theo phương thức truyền thống, Hoa Lan còn đẩy mạnh truyền thông và bán hàng trên mạng xã hội. Nhờ đó, nếu như những năm trước đây, các sản phẩm của Hoa Lan chủ yếu được xuất khẩu thì nay, thị phần ở thị trường trong nước ngày càng tăng cao. “Nhờ sự hỗ trợ từ CVĐ, Hoa Lan đã có điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng biết đến và chọn mua”
Mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao tại xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn - Bắc Kạn). Ảnh: CT.
Ông Phạm Đình Đoàn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, nhận định: “Kênh phân phối hiện đại, bao gồm cả của DN trong và ngoài nước, khi đã kinh doanh tại Việt Nam, đều đóng góp tích cực cho sự phát triển của hàng hóa Việt Nam. Thậm chí, sự lo ngại của không ít người về việc các chủ đầu tư nước ngoài vào và mua lại các kênh phân phối của Việt Nam thời gian qua thực ra không đáng lo”.
Theo ông Đoàn, kênh siêu thị của mỗi quốc gia thường có xu hướng dành một phần tỷ lệ hàng hóa cho hàng của quốc gia đó. Tuy nhiên, không DN nào “dại dột” từ chối nguồn hàng tại chỗ, giá rẻ, không mất nhiều chi phí vận chuyển, lại được lòng người tiêu dùng trong nước. Niềm yêu thích của người tiêu dùng với hàng Việt, cùng với tác động từ CVĐ là nguyên nhân làm nên thành công đó.
Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nghệ An thống kê, qua 10 năm triển khai, số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị, chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn trên địa bàn.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị hiện chiếm trên 90% - con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. Đây là mốc quan trọng đánh dấu thành công của CVĐ sau chặng đường gần 10 năm triển khai.
Cơ hội cho DN Việt
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Đây là CVĐ có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN, thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Để thực hiện tốt CVĐ này, nhiều DN đã cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí... Nhiều sản phẩm của DN Việt Nam đã chinh phục được thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của người dân trong nước.
Theo ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi, Chế biến và Xuất khẩu (APROCIMEX), người Việt Nam có một thời rất sính hàng ngoại. Một nguyên nhân quan trọng là do sản xuất hàng hóa trong nước không đáp ứng được nhu cầu cả về lượng, chất và giá cả. Sau 10 năm triển khai CVĐ, tư duy của cả người sản xuất và tiêu dùng đã thay đổi, có trách nhiệm hơn với nền kinh tế. DN đã coi thị trường nội địa là mục tiêu quan trọng hướng tới, tính tự tôn dân tộc của người dân đã cao hơn khi tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và giá cả.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, bày tỏ: Tập đoàn Hồ Gươm đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh từ chỉ chú trọng vào xuất khẩu sang tập trung coi thị trường nội địa là hướng đi trọng tâm. Doanh thu từ thị trường trong nước ngày càng tăng, sản phẩm may mặc của Tập đoàn không chỉ khẳng định được thương hiệu ở trong nước, mà còn được lựa chọn là 1 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thông qua Amazon.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để chinh phục thị trường trong nước cùng với xuất khẩu”, bà Ty chia sẻ.
Theo ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, CVĐ mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, nhằm khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, là cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam phát huy năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý. Thành công của CVĐ tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự nhận thức, quyết tâm và hành động của 2 chủ thể quan trọng là cộng đồng DN và người dân.
“Trong giai đoạn nền kinh tế thị trường đang từng bước hội nhập thông qua các hiệp định thương mại ký kết với những thị trường lớn trên thế giới, cộng đồng DN Việt cần thẳng thắn nhìn nhận sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa để đưa ra định hướng phát triển cho DN trong tương lai. Các doanh nghiệp cần chú ý phát triển hệ thống kênh phân phối xuống các địa bàn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chứ không chỉ qua các phiên chợ hàng Việt”, ông Hầu A Lềnh gợi mở.
Đã tròn 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt dùng hàng Việt Nam”, tuy còn nhiều điểm cần phải khắc phục và thay đổi, nhưng cũng phải thừa nhận, qua CVĐ, hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước, thậm chí còn vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.