Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 15:38

Tận dụng ưu đãi từ RCEP: Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo ra thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu khi tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu, ngoài ra còn gắn doanh nghiệp Việt với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng lớn trong khu vực.

Vậy doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội này?

Xóa bỏ 92% số dòng thuế nhập khẩu

Đối với những cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi RCEP có hiệu lực (1/1/2022). Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7-92% số dòng thuế.

 

12.jpg
Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển. Ảnh: TTXVN

 

Bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu, RCEP tạo ra thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm - điều đang gặp phải trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…, do đó phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá,  RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản,...

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam), cho biết: Trong ngắn hạn, RCEP khó tạo ra “cú huých” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì các nước trong khối hầu hết có ký kết FTA với nước ta và các dòng thuế giảm sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng đó nên xuất khẩu sẽ tăng lên. Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thay đổi để thích ứng với môi trường “cấp cao”

RCEP giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được đánh giá là “đòn bẩy” mới trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào một số thị trường quan trọng như Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), từ trước đến nay, Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc chủ yếu thông qua xuất khẩu tiểu ngạch.

Tuy nhiên, RCEP là cơ hội mới giúp gia tăng xuất khẩu, song doanh nghiệp phải thay đổi cung cách “làm ăn” và coi đây là thị trường cấp cao để khai thác hết các cơ hội. Còn đối với thị trường ASEAN, nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập siêu.

Do đó, với việc ký kết  RCEP, đi cùng với các FTA cấp cao như CPTPP, EVFTA..., sẽ giúp doanh nghiệp Việt đa dạng hóa  thị trường, giảm thâm hụt thương mại từ một số đối tác.

Theo ước tính, tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Với tiềm năng rất lớn, các chuyên gia cho rằng, RCEP sẽ giúp gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất cũng như xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, qua đó phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và giảm rủi ro.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường RCEP hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“Việc thống nhất quy tắc xuất xứ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông chuỗi cung ứng trong khối, trong đó doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ thị trường ASEAN để xuất sang 5 đối tác tham gia RCEP cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ 5 nước lớn đó để gia công chế biến cho chính các đối tác tại những nước này”, bà Lê Hằng chia sẻ thêm.

Không tách rời RCEP với các FTA

Để khai thác cơ hội mà RCEP mang lại, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lưu ý cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cam kết của RCEP và không tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình, đồng thời coi RCEP là trung tâm trong việc kết nối các “chuỗi cung ứng”.

Đặc biệt, từ cơ hội gia tăng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường RCEP thời gian qua, ông Dương cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động “tăng chất”, coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường RCEP như với CPTPP và EVFTA để đủ sức cạnh tranh và hưởng lợi.

Cụ thể hơn, đó là chiến lược để nâng cao năng lực xuất khẩu, trong đó không phải chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá mà còn phải cạnh tranh cả về chất lượng.

Cũng như các FTA khác,  RCEP tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, vì vậy, mà doanh nghiệp cần chủ động để sẵn sàng thích ứng trước các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp đặt cho hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia khác.

Đề cao quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong RCEP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, để được hưởng ưu đãi trong RCEP, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa.

“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chứng minh được tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP còn bị ảnh hưởng bởi chi phí tuân thủ quy tắc xuất xứ”, bà Hương nói.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top