Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và góp phần xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu cho Việt Nam.
“Cú huých” cho xuất khẩu
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA bởi thay vì hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN đó là tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác ASEAN trong một Hiệp định FTA. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường...
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC - phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: RCEP không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, mà quan trọng là vị trí trung tâm của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Khi chưa có RCEP, Việt Nam cũng đã có 5 FTA liên quan các thị trường 14 nước này, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhờ RCEP có thể đáp ứng các điều kiện về xuất xứ một cách dễ dàng để hưởng thuế suất ưu đãi, đặc biệt với các FTA song phương, đa phương lớn mà Trung Quốc chưa tham gia.
RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập. Thế nên, RCEP có thể giúp các công ty, doanh nghiệp VN mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng: RCEP có thể coi là hiệp định đa phương lớn cuối cùng mà Việt Nam tham gia. Mặc dù phải trải qua 8 năm đàm phán để đi đến phiên ký kết vào ngày 15/11/2020, song dường như so với CPTPP, EVFTA thì ít được các chuyên gia, truyền thông trong nước nhắc đến hơn. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó không vì thế mà kém to lớn, thậm chí có sự bổ sung rất lớn để Việt Nam tận dụng tốt hơn các thị trường mà các hiệp định trước đã mở ra.
“Trước đây, chuỗi cung ứng phân mành ra, ví dụ với Nhật, Úc, Newzealand, dù ta đều có hiệp định nhưng quy định về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thì mỗi cái theo một quy định riêng, tiêu chuẩn riêng nên không áp dụng chung cho nhau được. Thì giờ đây, với RCEP, sự hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia sẽ giúp các thị trường dùng chung được”, ông Thái phân tích. Đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, điều này sẽ giúp hàng hoá Việt cải thiện được khâu yếu là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ.
“Vì thế, RCEP nhìn qua thì không thấy mở cửa thị trường mới nhưng sẽ là “cú huých” cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thái nói.
Chế biến điều phục vụ xuất khẩu.
Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), cũng cho rằng nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...
Theo bà Trang, trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong khi đó, RCEP với một số nước vốn là các nhà cung cấp rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu của chúng ta, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, sẽ giúp cho hàng Việt đơn giản hoá bài toán về quy tắc xuất xứ để tận dụng tối đa lợi thế hưởng ưu đãi thuế quan.
Chủ động cải cách và nâng cao năng lực sản xuất
Bộ Công Thương cũng nhận định, RCEP khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Việc thực hiện RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
“Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như của Ngân hàng Thế giới, thì việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước.
Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong RCEP cùng với các FTA trước đây, chúng ta cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi trao đổi về RCEP đã nhấn mạnh, như các FTA khác, mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện để hàng hóa tương đồng từ khối RCEP vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội, điển hình là hàng hóa Trung Quốc. Nói về sức ép cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa, Bộ trưởng cho biết, chúng ta không đặt quá nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể kiểm soát bằng các chính sách trong việc tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của doanh nghiệp để đảm bảo được hiệu quả trong việc tham gia hiệp định này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng sự cạnh tranh này buộc các doanh nghiệp nội phải thay đổi, thích ứng để hàng hóa không bị thua ngay trên sân nhà.
Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Cũng theo Bộ này, về lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên, Việt Nam chào cho các nước ASEAN và các nước đối tác tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định FTA ASEAN +1 hiện hành. Cụ thể chào cho ASEAN là 90,3%, cho Australia và New Zealand là 89,6%, cho Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%.
Với Trung Quốc, mức chào tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định FTA ASEAN-Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của ta, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi RCEP.
Các nước đối tác chào cho Việt Nam tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn mức chúng ta chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể Australia xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%, Bộ Công thương thông tin.
Như vậy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp...Nhờ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra.
“Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và mở ra những xa lộ mới cho hàng hoá Việt Nam.
Đặc biệt, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của nước ta. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây”, đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2020, thương mại 2 chiều của Việt Nam với 14 thị trường trong khối thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đạt 240 tỷ USD, chiếm gần 54,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính hết tháng 10/2020. Theo đó, đứng đầu về giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với các thành viên RCEP là Trung Quốc, khi 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37,9 tỷ USD và nhập khẩu 65,6 tỷ USD. Thương mại 2 chiều với Hàn Quốc ghi nhận 53,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 16 tỷ USD và nhập khẩu gần 37,5 tỷ USD. Thị trường Nhật Bản đạt mốc trên 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 15,5 tỷ USD và nhập khẩu 16,5 tỷ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại với 9 thị trường ASEAN đạt 43,4 tỷ USD; xuất khẩu 19 tỷ USD và nhập khẩu 24,4 tỷ USD. 2 thị trường còn lại là Australia và New Zealand có giá trị trao đổi thương mại khiêm tốn hơn. Với Australia 6,77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 2,99 tỷ USD, nhập khẩu 3,78 tỷ USD. Với New Zealand đạt 870 triệu USD, trong đó xuất khẩu gần 400 triệu USD, nhập khẩu 460 triệu USD. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.