Trong hai ngày 7 và 8/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV thuộc đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri các huyện Đức Hòa, Bến Lức.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng.
Đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Long An có 5 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV, gồm: Bà Lê Thị Song An, Trưởng Phòng Giáo dục TP. Tân An; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; ông Đặng Hoàng Tuấn, Chánh Thanh tra Sở GTVT; bà Hồ Thị Diệp Thúy, Phó Giám đốc Sở KH&CN.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri được nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử các ứng cử viên. Cử tri phát biểu bày tỏ mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử ĐBQH nhiệm kỳ tới cần quan tâm tới một số vấn đề về phát triển kinh tế xã hội ở địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Trong phần trình bày chương trình hành động với cử tri Long An, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết chương trình hành động của ông tập trung vào 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là những chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ với đất nước do Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ phân công. Thứ hai là chương trình hành động cụ thể gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân tỉnh Long An.
Theo Phó Thủ tướng, ĐBQH là cầu nối giữa Quốc hội với nhân dân, nên việc gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và phản ánh kịp thời với Đảng, Quốc hội, Chính phủ để có thể nhanh chóng chuyển thành các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống là rất quan trọng.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, mỗi ĐBQH trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm đặc biệt tới việc ban hành luật, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, khuyến khích người dân tham gia khởi nghiệp, dựng nghiệp.
Về trách nhiệm với cử tri nơi ứng cử, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn của người dân.
Phó Thủ tướng cho rằng, những vấn đề mà cử tri Long An đưa ra như tăng trưởng kinh tế phải bền vững và gắn với bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp phải theo hướng công nghệ cao, cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... cũng là những vấn đề lớn mà Chính phủ đang đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện.
Phó Thủ tướng tin tưởng với nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, tỉnh Long An sẽ đạt được những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, góp phần cùng cả nước phát triển nhanh và bền vững.
Trình bày chương trình hành động của mình, ứng cử viên Đặng Hoàng Tuấn cho biết trong phạm vi công tác của mình, sẽ tập trung vào các vấn đề như tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết tình hình xe quá tải lưu thông; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện 3 công trình trọng điểm về giao thông để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là đường tỉnh 830, đường vành đai thành phố Tân An, trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động trong ngành giáo dục, ứng cử viên Lê Thị Song An sẽ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội khắc phục những mặt còn hạn chế của giáo dục như nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa giáo dục; quan tâm chế độ đãi ngộ cho giáo viên.
Ứng cử viên Hồ Thị Diệp Thúy khẳng định nếu được bầu làm ĐBQH khóa XIV, bà sẽ sát cánh với tập thể, đưa công nghệ vào xây dựng chính quyền điện tử liên thông từ địa phương đến Trung ương; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt nhất trong điều kiện nhanh nhất.
Trong chương trình hành động của mình, ông Trương Văn Nọ, ứng cử viên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, nhấn mạnh nhiều đến cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần cùng đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân cũng như xây dựng khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân lao động với giá rẻ để người lao động yên tâm làm việc.
P.V
Nhân kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 - 28/11/2024), chiều 27/11, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và tặng quà các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu bảo vệ bến, bảo vệ tàu và vận chuyển vũ khí từ Tàu Không số - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.