Được giao nhiệm vụ xây dựng vườn mẫu trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV&TT) Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo. TS.Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội đã chia sẻ về hướng đi trong xây dựng Hội và phát triển kinh tế VAC trên địa bàn.
TS. Nguyễn Xuân Tình.
Từ chủ trương đúng
Theo số liệu điều tra kinh tế vườn của HLV&TT Hà Tĩnh năm 2007, thu nhập từ kinh tế vườn chỉ chiếm 36% tổng thu nhập kinh tế hộ. Tỷ lệ vườn hoang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 30%) trong tổng số vườn hộ.
Vì vậy, từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (XDNTM), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra quan điểm chỉ đạo nâng cao thu nhập, đó là: Phát triển nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển mô hình vườn mẫu, năm 2011 - 2013 hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn. Năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chính sách khuyến khích hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn.
Theo đó, năm 2014 tại 48 xã NTM, mỗi xã xây dựng 5 mô hình vườn mẫu, với tổng số 240 vườn. Năm 2015, tiếp tục xây dựng tại 45 xã NTM, mỗi xã 5 mô hình, với tổng số 225 vườn. HLV&TT tỉnh được giao đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Từ trọng trách lớn UBND tỉnh giao, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, HLV&TT Hà Tĩnh phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình XDNTM tỉnh xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí vườn mẫu gồm: Vườn phải có quy hoạch thiết kế hợp lý; sản phẩm từ vườn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; đảm bảo cảnh quan môi trường; có thu nhập cao hơn, hoặc bằng trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích trong xã.
Dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào khai thác các vườn đạt 5 tiêu chí đề ra. Hiện nay, mô hình này có sức lan tỏa trên phạm vi toàn tỉnh với tổng số 860 vườn. Thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ.
Hướng đi tất yếu
Năm 2014, HLV&TT Hà Tĩnh được Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ tại xã Cẩm Bình – Cẩm Xuyên”. Dự án gồm 5 nội dung: Nghiên cứu tổng hợp biên soạn 6 tài liệu kỹ thuật trồng rau (cải bẹ xanh, mồng tơi, mướp đắng, mướp ngọt, bí xanh, dưa chuột) và nuôi gà thịt hữu cơ; tập huấn các tài liệu kỹ thuật cho 197 hộ dân (thôn Tân An, xã Cẩm Bình); xây dựng 10 mô hình vườn mẫu trồng rau quy mô 1.732 m2/hộ và chăn nuôi gà thịt hữu cơ quy mô 200 con/hộ; 187 hộ được tiếp thu kỹ thuật và được hỗ trợ một phần vật tư (hạt giống, men vi sinh HATIMIC, thuốc sâu sinh học) để trồng rau; phân tích 12 mẫu sản phẩm rau ở thời kỳ thu hoạch tại Công ty CP Vinacontrol Hà Nội đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau một năm thực hiện, 197 hộ ở thôn Tân An đã nắm vững quy trình kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ là thực hiện “4 không” khác biệt với sản xuất an toàn: không sử dụng phân bón hóa học và phân người; không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật hoặc các chất diệt cỏ; không sử dụng các chất chế phẩm biến đổi gen. Sử dụng các vật liệu đầu vào cải thiện độ phì của đất, quan tâm ủ các loại phân động vật, phân hữu cơ vi sinh, vật liệu thực vật, khoáng dolomit, vôi…
Đối với vật liệu đầu vào và quản lý sâu bệnh, quan tâm làm các bẫy, bả sâu, kiểm soát nấm bằng lưu huỳnh, bóc-đô, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Đối với cỏ dại, quản lý chủ yếu bằng biện pháp canh tác và thủ công.
Về kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, phòng dịch là chính, vệ sinh môi trường chuồng nuôi, bãi thả đảm bảo sạch sẽ. Thức ăn thời gian một tháng đầu có sử dụng cám công nghiệp, sau đó là lúa, gạo, ngô…; không sử dụng chất kích thích, tăng trọng.
Kết quả, 10 mô hình nuôi gà ở địa phương không xuất hiện dịch; tỷ lệ sống ở thời kỳ xuất chuồng 105 ngày tuổi đạt 91,5%; trọng lượng bình quân 1,57kg/con, lợi nhuận 12,1 triệu đồng/hộ (chiếm 39% doanh thu). Mười mô hình trồng rau bình quân mỗi hộ thu được 3.626kg, lợi nhuận 19,469 triệu đồng/hộ (chiếm 61% doanh thu). Thu nhập từ trồng rau cao gấp 9,13 lần trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, cao gần gấp 2 lần tiêu chí vườn mẫu.
Tạo điều kiện cho đầu ra của sản phẩm, dự án đã tham gia với địa phương thành lập điểm giới thiệu và bán sản phẩm, thành lập hợp tác xã trồng rau, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp ở cảng Vũng Áng, tổ chức ký cam kết với các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, tiến tới thực hiện xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Theo ông Tình, dự án được Hội đồng khoa học đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng trên toàn tỉnh. Năm 2016, HLV &TT Hà Tĩnh sẽ chuyển giao xây dựng 860 mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế vườn, góp phần quan trọng trong XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Nhất Nam (ghi)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.