Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 12 năm 2017 | 12:14

Tăng cường thanh, kiểm tra các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường

Ngày 21/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Tổng cục Môi trường xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2017 có nhiều điểm tích cực, kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý gần 20 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời đã yêu cầu các địa phương chủ động kiểm chứng thông tin, xử lý, báo cáo kết quả xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường trên địa bàn như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các địa phương trong xử lý các điểm nóng về môi trường đã có nhiều chuyển biến, chuyển từ “bị động sang chủ động”.

Thông qua đường dây nóng ở cấp Trung ương, từ giữa tháng 10 đến nay đã tiếp nhận hơn 200 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường, trong đó có 50 vụ việc đã được xử lý.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (ảnh dantri.vn)

Ông Tài cho biết, công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng đã được tích cực triển khai, quan tâm hơn, thông qua việc triển khai xây dựng tiêu chí sàng lọc các dự án đầu tư, đề án về kiểm soát - đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, chú trọng hơn việc rà soát, giảm số lượng đối tượng đưa vào kế hoạch (giảm 228 đối tượng so với năm 2016) ngay từ khi rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch.

Năm 2017 Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra 660 đối tượng trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các đối tượng thuộc danh mục 16 ngành nghề có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, các cơ sở có nguồn phát thải lớn.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, trong năm 2017, Tổng cục đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 439 cơ sở tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay đã có 107 kết luận thanh tra, 104 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt gần 18 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị, Tổng cục Môi trường cần xây dựng một kế hoạch công tác về bảo vệ môi trường cụ thể, chi tiết, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục ngay những tồn tại và hạn chế. Đồng thứ, thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Tổng cục Môi trường, đã vượt qua thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó tạo được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm giảm tốc độ gia tăng ô nhiễm, hạn chế những tác động xấu của ô nhiễm môi trường tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Thời gian tới, Tổng cục Môi trường cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó trong thời gian quy định. Xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn”- ông Nhân nhấn mạnh.

Chôn 100 tấn chất thải trái phép, Formosa bị phạt 560 triệu đồng

Ngày 16/12, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết UBND tỉnh này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh về hành vi chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại một cán bộ của công ty môi trường Kỳ Anh hồi tháng 7/2016.

Cụ thể, ngày 11/7, sau khi được sự chỉ đạo của lãnh đạo sở, chi cục môi trường, thanh tra của sở này đã phối hợp Công an môi trường tỉnh Hà Tĩnh vào trang trại của ông Lê Quang Hòa (giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh) ở địa bàn phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, kiểm tra, phát hiện khoảng  100 m3 (tương đương khoảng 100 tấn) chất thải màu đen có mùi hôi đang được tập kết, chôn lấp sơ sài dưới lòng đất. Lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu đi kiểm tra.

Chất thải độc hại của Formosa.

Đoàn công tác của Bộ TN-MT cũng đã tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên (bao gồm 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối trong khu vực).

Theo quyết định xử phạt, các cơ quan chức năng đã phạt hành chính Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) 560 triệu đồng vì vi phạm không phân định chất thải nguy hại để quản lý theo quy định của pháp luật, chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Còn Công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh bị xử phạt hành chính 450 triệu đồng về hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường.

Khắc phục tình trạng phát tán bụi tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân

Trong hai ngày 16-17/12, tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận có gió mạnh, gió xoáy gây nên hiện tượng phát tán bụi ra môi trường xung quanh. 

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng, Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống phát tán bụi tại công trường, nhà máy, bãi thải xỉ. 

Tiếp đó, ngày 21/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo triển khai các công tác bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. 

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cử đoàn công tác vào phối hợp với tỉnh để giám sát tình hình môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trong thời gian Chính phủ xem xét, quyết định đưa Trung tâm vào đối tượng giám sát đặc biệt về môi trường. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường  phối hợp với chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy Vĩnh Tân 1, nếu chưa phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai xây dựng khẩn trương kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. 

Công tác tưới nước giữ ẩm khắc phục tình trạng bụi bay vào khu dân cư. ảnh (TTXVN). 

Còn đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay các biện pháp chống bụi phát tán như tăng cường xe tưới nước giữ ẩm tại các khu vực công trường chưa phủ bạt, ưu tiên thi công những hạng mục khắc phục tình trạng bụi, huy động nguồn nước ngọt để tưới... đồng thời xây dựng các phương án, kế hoạch bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc, phối hợp với địa phương, ngành chức năng đảm bảo khắc phục triệt để việc phát tán bụi tại công trường. 

PV (Tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top