Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 7 năm 2015 | 4:38

Tạo cơ chế thoáng hơn cho người nước ngoài mua nhà

KTNT - Luật Nhà ở 2014 đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), vẫn còn nhiều điểm chưa được thông thoáng.

Để đảm bảo tính minh bạch và thông thoáng khi áp dụng Luật Nhà ở vào cuộc sống, HoREA đã có công văn đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở.

Theo HoREA, cần tạo cơ chế thoáng hơn cho người nước ngoài mua nhà

Về việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua trong kỳ họp cuối năm 2015. Theo HoREA, nên bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước.

Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng là những cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, với quy định cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại (trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ) khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa thoáng.

Cụ thể, về "trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại..." (khoản (4.b) Điều 7 dự thảo Nghị định). Theo đánh giá của HoREA, Dự thảo quy định này không phù hợp và không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, Hiệp hội đề nghị cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản (4.a) Điều 7 (dự thảo Nghị định) cho phép cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư nước ngoài khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Bên cạnh đó, với quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở tại các "khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ" (khoản (2.b) Điều 159 Luật Nhà ở) cũng có thể làm gia tăng những thủ tục không cần thiết. Cụ thể, tại Điều 75, dự thảo Nghị định quy định: "Khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở" cần được sửa đổi theo hướng Chính phủ công bố khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở; Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố danh mục các khu vực này và không nên quy định thêm quy trình các Bộ này" có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh để chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở”.

Về quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài khi hết thời hạn sở hữu nhà ở thì có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu (khoản (2.c) điều 161 Luật Nhà ở), Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính.

HoREA cũng đề xuất nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Một vấn đề đang được dư luận quan tâm nữa là thời hạn cấp visa cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. HoREA cho rằng, để tạo điều kiện cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Hiệp hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng thống nhất cấp visa với thời hạn dài, có thể khoảng từ 01 - 03 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế./.

Minh Tuấn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top