Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2016 | 2:6

Tạo đột phá trong chính sách tín dụng giảm nghèo

Hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện trong những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

NHCSXH thực hiện giải ngân vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.

Sau hơn 13 năm hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra ban đầu, đó là tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; Nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; Tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; Huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo; Góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn...

Gần 29 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn

NHCSXH đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH đã huy động được trên 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến 31/5/2016 đạt 147.819 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78%.

Trong hơn 13 năm qua, đã có trên 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 7,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, trên 104 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…

Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ

Nông dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) làm giàu trên mảnh đất quê hương từ vốn vay ưu đãi.

Để có những thành tựu về tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH được xây dựng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 phòng giao dịch cấp huyện, cùng đội ngũ hơn 9.000 cán bộ, viên chức tinh thông nghề nghiệp tín dụng chính sách. Chính tổ chức mạng lưới rộng lớn này đã tập trung huy động được nguồn lực và chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến tận nơi ở của người nghèo, các đối tượng chính sách một cách an toàn, tiết kiệm.

Mạng lưới hoạt động của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11.000 Điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng là hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng nguồn vốn chính sách. Theo đánh giá của Quốc hội tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014: “Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản. Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo. Bộ máy quản lý của NHCSXH được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý, nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 1%”.

Cùng với đó là thủ tục, phương thức cấp tín dụng, thực hiện uỷ thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và thành lập hệ thống gần 200.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn cả nước đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, chuyển tải nguồn vốn chính sách đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng, giúp họ biết sử dụng vốn vay vào sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.

Kết quả kiểm toán, thanh tra và kiểm tra của các cơ quan chức năng hàng năm (Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan của địa phương) đều đánh giá cao những cố gắng của NHCSXH trong việc thực thi các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước và quản lý vốn, tài sản an toàn, hiệu quả, chi tiêu tiết kiệm, đúng chế độ, chính sách.

Tiếp tục nỗ lực trong giai đoạn mới

Trên hành trình đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách trong 13 năm qua, NHCSXH tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Thành tích hoạt động của NHCSXH xứng đáng được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành biểu dương, khen thưởng nhiều phần thưởng, cao quý. “Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước” - trích Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Hành trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của nước ta vẫn đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. NHCSXH luôn bám sát các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở những vùng khó khăn; gắn tín dụng chính sách với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và các định hướng về cơ chế tài chính, công tác quản trị ngân hàng, phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hoá hoạt động.

Thùy Trang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top