Những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã tập trung khai thác tối đa mọi nguốn vốn, giải ngân kịp thời các chương trình cho vay đến hộ nghèo và các gia đình chính sách.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người dân trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bà con thôn Phú Cường, xã Quảng Trường chăn nuôi bò cho thu nhập khá.
“Để đồng vốn sinh lời”
Nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi, cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Quảng Xương đã chủ động triển khai cho vay theo từng địa bàn, tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên thực hiện ủy thác vay vốn. Đẩy mạnh phát triển, duy trì các điểm giao dịch tại xã, thị trấn và Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK & VV) tại các thôn xóm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất.
Có được vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời lại càng khó hơn, nhất là đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Chính vì vậy, NHCSXH huyện Quảng Xương không đơn thuần chỉ là cho vay mà cán bộ ở đây còn tư vấn, hỗ trợ các hộ vay sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích. NHCSXH huyện còn tích cực phối hợp với các ban ngành để tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước phát huy hiệu quả đồng vốn, nâng cao thu nhập.
Đến thăm hộ gia đình ông Hoàng Lường Cường ở thôn 4, xã Quảng Khê, ông cho biết: Được vay chương trình hộ mới thoát nghèo 50 triệu đồng cách đây 2 năm, thời hạn vay 3 năm, gia đình đầu tư nuôi lợn thịt. Năm ngoái, do giá lợn xuống thấp, gia đình thua lỗ khoảng 400 triệu đồng… Mặc dù vậy, gia đình cũng cố gắng cải tạo chuồng trại để tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi, bình quân trong chuồng nuôi khoảng 100 con lợn thịt ,vừa xuất bán 50 con, thu nhập 1 triệu đồng/con, lãi 50%. Đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Quảng Xương đã phần nào giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Hay như gia đình ông Trịnh Văn Hùng, thôn Thịnh Bình, xã Quảng Trường, được vay theo chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng, đã đầu tư nuôi 3 - 5 con bò. Sau khi xuất bán, ông lại mua bê về nuôi và quay vòng vốn để trả nợ và sinh lời.
Không để xảy ra nợ xấu
Ông Phạm Văn Trí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Quảng Trường, cho biết: Hiện tại, Hội đang quản lý 7 tổ TK & VV với số tiền 5,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại các tổ TK & VV của Hội CCB xã Quảng Trường không có nợ quá hạn, các hộ cho vay đều đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và đều có ý thức, trách nhiệm hàng tháng trả lãi đúng hẹn. Gia đình ông Trịnh Văn Hùng là một trong nhiều hộ như thế…
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được thụ hưởng nguồn vốn chính sách ưu đãi đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế. Thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, được sự giúp đỡ, quan tâm sát sao của các cấp hội, đoàn thể nên hầu hết các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Theo ông Lê Xuân Hải, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương: Thông qua công tác giám sát từ phía ngân hàng và các tổ chức đoàn thể, hầu hết các hộ được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đây chính là tiền đề để thời gian tới NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh quản lý nguồn vốn vay chất lượng hơn, tạo hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đối với các hộ gia đình sau khi được vay vốn.
“Thông qua sự ủy thác của các đoàn thể, trước khi cho hội viên vay vốn, cán bộ các hội đã tìm hiểu và hướng dẫn cho gia đình hội viên nên sử dụng nguồn vốn đó để làm gì, trồng cây gì và nuôi con gì cho phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi cho hội viên vay, cán bộ các hội tiếp tục kiểm tra, giám sát theo từng tháng, từng quý xem hội viên được vay có sử dụng vốn đúng mục đích không. Qua đó, nâng cao được ý thức, trách nhiệm cho hội viên trong việc sử dụng vốn vay để trả nợ đúng hạn, tránh không để nợ quá hạn, nợ xấu xảy ra”, ông Hải nhấn mạnh.
Tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Quảng Xương tính đến 30/6/2018 đạt 369.347 triệu đồng, bằng 100% kế hoạch năm, doanh số cho vay 81.011 triệu đồng, doanh số thu nợ 60.901 triệu đồng. Tổng dư nợ 369.132 triệu đồng (các chương trình cho vay có dư nợ cao như: Hộ cận nghèo 95.898 triệu đồng; nước sạch VSMT 75.324 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo 74.785 triệu đồng…), nợ quá hạn 505 triệu chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ.