Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 năm 2021 | 15:21

Thanh Hóa: Khẩn trương tìm kiếm 2 ngư dân trôi dạt và mất liên lạc trên biển

Sáng 13/6, thông tin từ UBND thị xã Nghi Sơn, trên địa bàn có 2 ngư dân ở thuộc khu phố Đông Hải, phường Hải Hòa bị mất liên lạc với đất liền, hiện địa phương đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm ngư dân bị nạn.

Trước đó, vào lúc 20 giờ ngày 12/6, tại khu vực vùng biển cách Đảo hòn Mê khoảng 2 hải lý về phía Đông Nam, có hai bè mảng của anh Lê Đức Giang (SN 1985) và anh Lê Văn Dương (SN 1987), ở cùng phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, đang trên đường vào tránh bão thì bị hỏng máy  và trôi dạt trên biển, đến khoảng 4 giờ ngày 13/6, hai bè mảng này đã mất liên lạc với đất liền.

nghi-son-tàu.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 tiến hành tìm kiếm khu vực ngoài khơi vùng biển.

 Nhận được tin báo, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hải Hòa, xử dụng các Đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thông báo cho các tàu đang hoạt động gần đó biết để hỗ trợ và cứu hộ, cứu nạn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện xuất kích đi cứu nạn khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Đồng thời, thông báo cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp tìm kiếm, cứu nạn.

Sáng 13/6, gia đình của hai chủ bè phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thuê 1 bè mảng cùng 7 người xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.

bt-tỉnh-ủy.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm hai ngư dân mất liên lạc tại vùng biển Nghi Sơn

 Nhận được thông tin về hai ngư dân ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn bị trôi dạt  và mất liên lạc trên biển, đang ở trong vùng nguy hiểm của cơn bão số 2, ngay sáng 13/6, ông  Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp vào chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại thị xã Nghi Sơn.

Ngay sau khi đến thị xã Nghi Sơn, Bí thư Tỉnh ủy đã đến cảng cá Lạng Bạng và Hải đội 2 trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để kiểm tra và nghe các lực lượng chức năng báo cáo tình hình và đề xuất những phương án tìm kiếm cứu nạn.

Với tinh thần khẩn trương bảo vệ tính mạng của ngư dân là trên hết, Bí thư Tỉnh ủy, đã yêu cầu thị xã Nghi Sơn và các lực lượng chức năng khẩn trương điều động tàu, thuyền tìm kiếm cứu nạn,cứu hộ, xác định vị trí để cứu nạn đối với những ngư dân đang gặp nạn trên biển, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với đất liền.

nghi-sơn-sơn.jpg
Cơ quan chức năng tiếp tục điều động tàu cứu hộ ra khơi tìm kiếm các ngư dân mất liên lạc.

 Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động ngay tàu chiến đấu ra biển để tiếp cận và cứu nạn các ngư dân đang ở trên biển về nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo với Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng; Quân khu 4; Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng để tăng cường lực lượng tìm kiếm hai bè mảng đang bị trôi dạt.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng  phê bình cấp ủy, chính quyền phường Hải Hòa và các lực lượng đã không kiểm soát chặt chẽ để người và phương tiện ra biển khi tỉnh đang cấm biển. Trong khi UBND tỉnh đã ban hành công điện về công tác phòng, chống bão số 2, yêu cầu tất cả các địa phương, các lực lượng chức năng phải kêu gọi tàu, thuyền, bè mảng đang đánh bắt ngoài biển về nơi tránh trú bão an toàn.

Đến 22h ngày 12/6, cơ bản các tàu, thuyền, bè, mảng trên địa bàn tỉnh đã trở về nơi tránh trú bão an toàn, chỉ riêng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 2 bè mảng của ngư dân phường Hải Hòa chưa về đến nơi an toàn, tỉnh đã chỉ đạo các thường xuyên liên lạc để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, vào sáng sớm 13/6, hai ngư dân ở trên 2 bè mảng mất liên lạc, người nhà đã tự ý đưa tàu, bè ra tìm kiếm trong điều kiện không an toàn.

Làm việc với chính quyền địa phương Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hiện nay bão đã tan, những vấn đề lo nhất là hoàn lưu sau bão, do vậy, tỉnh đã có phương án sẵn sàng di dời 4.300 hộ dân với 17.000 khẩu ở khu vực miền núi đến nơi an toàn nếu có tình huống xảy ra.

Do vậy, các cấp ủy, chính quyền phải nêu cao tinh thần chủ động, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ, di dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các địa bàn xung yếu thường xuyên bị sạt lở.

 

Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top