Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, gây sự phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, gây sự phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu. Thực tế, đây chỉ là bước đi tiếp theo của chính sách cải cách thuế mới đã được Tổng thống Mỹ thông báo ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Châu Á giảm lợi thế
Chính sách cải cách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung giảm thuế cho các công ty sản xuất tại Mỹ theo hướng ưu tiên “nước Mỹ trước tiên”, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Mỹ, đặc biệt là các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, thuế thu nhập của doanh nghiệp (DN) Mỹ giảm từ 35% xuống 21%; lợi nhuận của các công ty Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%. Bên cạnh đó, với chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, không ít mặt hàng của Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Singapore và Hồng Kông trước nay luôn thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư. Với những nền kinh tế có quỹ đất giới hạn thì chính sách thuế ưu đãi là điều không thể thiếu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tại Singapore, Tập đoàn Broadcom lâu nay vẫn hưởng thuế doanh nghiệp 17%, chưa đến phân nửa thuế suất nếu đặt trụ sở tại Mỹ trước đây. Tuy nhiên, với việc Mỹ giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% thì ranh giới này trở nên mong manh. Tương tự, thuế doanh nghiệp 16,5% của Hồng Kông cũng bị giảm lợi thế.
Ngay cả các công ty ở châu Á cũng rất quan tâm đến chính sách thuế mới của Mỹ. Công ty trang thiết bị quốc phòng Singapore Technologies Engineering rất ủng hộ và cho rằng chính sách này sẽ đem lại lợi nhuận cho chi nhánh của công ty ở Mỹ, vốn đóng góp khoảng 23% doanh thu. Bà Lina Poe, Trưởng bộ phận truyền thông và đầu tư, cho biết công ty sẽ đánh giá cơ hội tăng vốn đầu tư vào Mỹ trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đang bị cuốn vào “trò chơi thuế” của ông chủ Nhà Trắng.
Theo tờ The New York Times, nhờ lợi thế về đội ngũ lao động, cơ sở hạ tầng và một số ưu đãi, Trung Quốc đánh thuế doanh nghiệp 25%, chưa kể bảo hiểm xã hội cho người lao động và các khoản khác. Tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu cam kết sẽ “có biện pháp chủ động” nhằm đối phó với việc Mỹ cải cách thuế. “Tác động bên ngoài từ việc thay đổi chính sách thuế của nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể xem thường”, ông Chu nhận định.
Thêm ưu đãi đầu tư
Trước chính sách cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua của Mỹ, việc các nền kinh tế châu Á phải đối phó thế nào đang trở thành vấn đề nóng hổi trong khu vực. Chuyên gia Andrew Choy tại Công ty kiểm toán Ernst & Young ở Trung Quốc cho rằng dù ông Chu không tiết lộ chi tiết các biện pháp đối phó của Trung Quốc nhưng nhiều khả năng nước này sẽ cải cách các quy định liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể hoãn một số khoản thuế nào đó nếu doanh nghiệp nước ngoài cam kết tái đầu tư, ông Choy nhận định. Trong khi đó, ông Junichi Fujii, Giám đốc cấp cao về dịch vụ thuế tại Công ty PricewaterhouseCoopers nhận định Malaysia và Indonesia vốn có thuế doanh nghiệp cao hơn mức 21% của Mỹ cũng sẽ buộc phải có các biện pháp đối phó.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài lợi thế thấp trước đây thì các nước châu Á còn có nhiều chính sách miễn giảm và ưu đãi về thuế. Ngoài thuế ra thì còn nhiều yếu tố như môi trường đầu tư thân thiện, quy định về đầu tư, hạ tầng, nhân lực và nhiều yếu tố khác. Đồng quan điểm này, bà Praveen Randhawa thuộc Hội đồng phát triển kinh tế Singapore nhận định rằng, phải chờ thêm thời gian nữa mới có thể xác định chính xác tác động của chính sách ở Mỹ đối với các công ty ở Singapore cũng như châu Á và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định: đã đến lúc các nền kinh tế châu Á cần nhìn lại toàn bộ khả năng cạnh tranh của mình.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam bị tác động
Chính sách thuế mới của Mỹ được nhiều chuyên gia chỉ ra là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến Trung Quốc (TQ). Thực tế Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ TQ nhưng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng bị vạ lây.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ TQ có nguy cơ cao bị Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá.
Trong đó, những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ lớn như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị tác động nhiều nhất.
Bằng chứng rõ nhất là nhiều công ty xuất khẩu thép của Việt Nam hiện đang gặp khó khăn khi Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá mức cao. Ví dụ thép cán nguội phải chịu hai loại thuế nêu trên với mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giải thích thêm: Sở dĩ Mỹ đánh thuế cao với thép vì kết luận rằng các sản phẩm thép của Việt Nam được nhập khẩu từ TQ qua Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Có thể nói thép Việt Nam đang bị oan từ thép TQ.
“Đây là kết luận thiếu cơ sở. Do vậy hiệp hội đã gửi kiến nghị lên bộ, ngành liên quan và dự định sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ không thay đổi quyết định trên” - ông Sưa cho hay.
Hiện nay Mỹ chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài. Do đó nếu việc áp thuế của Mỹ tiếp tục mở rộng, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của VN bị ảnh hưởng lớn. Thủy sản Việt Nam là một ví dụ, thuế chống bán phá giá rồi chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp hải sản (IUU) khiến mặt hàng tôm, cá tra Việt Nam tiếp tục khốn đốn.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại thủy sản Thuận Phước, cho biết, đơn vị ông đã ngừng xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ vì thuế chống bán phá giá quá cao. Hiện nay công ty của ông chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao vào Mỹ.
Thay đổi cách làm để thích nghi
Dù đối mặt với không ít khó khăn khi Mỹ thay đổi chính sách thuế nhưng cơ hội từ thị trường này vẫn không ít. TS.Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận những mặt hàng xuất siêu sang Mỹ vẫn có thế mạnh về cạnh tranh, nếu biết tận dụng cơ hội sẽ chinh phục thị trường Mỹ.
Chẳng hạn hàng may mặc Việt Nam nếu bị đánh thuế nặng thêm thì may mặc của Mỹ cũng khó mà rẻ hơn để các công ty Mỹ có động lực tham gia vào sản xuất thay thế.
Ngược lại, nhân công giá rẻ, lao động lành nghề… sẽ giúp các ngành như dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam có ưu thế hơn các đối thủ đến từ nước ngoài để thâm nhập sâu thêm vào Mỹ.
“Việt Nam phải phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng đầy đủ cho các ngành xuất khẩu thì hàng Việt chắc chắn được thị trường Mỹ đón nhận mà không lo rào cản kỹ thuật, thuế.
Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế TQ thành nước sản xuất hàng điện tử, điện lạnh cung cấp cho thị trường Mỹ” - ông Hiếu tự tin.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ: Để thâm nhập và khai thác lâu dài, công ty đã thành lập trụ sở ngay tại Mỹ, kết nối với các nhà bán lẻ tại Mỹ đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Đồng thời tập trung đưa hàng có thương hiệu, giá trị gia tăng cao vào thị trường này thay vì chỉ xuất thô.
“Tất cả lô hàng như trái cây từ Việt Nam xuất sang Mỹ phải đạt các điều kiện kỹ thuật và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý chiếu xạ…
Khi hàng Việt đáp ứng các điều kiện trên thì không chỉ xuất khẩu thuận lợi sang Mỹ mà có thể dễ dàng xuất sang nhiều thị trường khác như EU, Nhật” - ông Tùng nói.
Ông Trần Đình Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng, Việt Nam cần rà soát lại các chính sách, không chỉ là các sắc thuế mà cả thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt... khiến chi phí không chính thức có thể ở đâu đó còn cao hơn tiền nộp thuế.
Như theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi phí không chính thức chiếm tới 10% tổng chi phí kinh doanh.
Một chuyên gia ngành công thương cũng đề nghị cần lưu tâm khả năng hấp dẫn, giữ chân nhà đầu tư, khi một số ngành như điện tử, công nghiệp không chuyển sang những nước như Việt Nam mà... quay về Mỹ. Điển hình như một số “đại gia” sản xuất điện thoại di động đã phải tuyên bố mở nhà máy ở Mỹ.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.