Phong trào thi đua là một công cụ, động lực đẩy nhanh tiến trình cán đích Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2011 - 2020, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao phó.
“Phong trào thi đua là một công cụ, động lực đẩy nhanh tiến trình cán đích Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2011 - 2020, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao phó. Đồng thời, hội tụ sức mạnh toàn hệ thống chính trị - xã hội thực hiện chủ trương đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành đòn bẩy trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”.
Đó là đánh giá của Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khi nhìn lại hoạt động thi đua của NHCSXH trong 5 năm qua.
Không ngừng thi đua
“Chân ướt, chân ráo” về vùng đất thiếu mưa thừa nắng gió, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), từ đầu năm 2014 và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc Phòng giao dịch huyện tháng 5/2014, việc đầu tiên mà Giám đốc NHCSXH huyện Bác Ái Châu Văn Vé bắt tay thực hiện là, chớp cơ hội từ việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW làm động lực thúc đẩy tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Không phụ sự tìm tòi, nghiên cứu, kết quả triển khai sáng kiến “Tham mưu Huyện uỷ, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW” của Giám đốc Châu Văn Vé đã đưa Bác Ái trở thành Phòng giao dịch đầu tiên trong toàn tỉnh Ninh Thuận được UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách của địa phương là 50 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW và công năng của tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo, mỗi năm, anh Châu Văn Vé đều có sáng kiến mới như “Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a”, “Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại huyện nghèo 30a”… Những sáng kiến này đã góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Bác Ái đến nay đạt trên 192 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ủy thác của địa phương là 4,9 tỷ đồng.
Nhìn lại 5 năm, những dòng vốn từ chính quyền địa phương mà Giám đốc Châu Văn Vé đi đầu, tư vấn khơi thông đã giúp 5.358 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 2.435 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm; 933 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn…
Những nỗ lực thi đua cùng với những sáng kiến riêng có phù hợp với từng địa phương ở các cấp cơ sở từ huyện đến tỉnh cho đến cơ quan đầu não điều hành ở trụ sở chính mà mỗi cán bộ, nhân viên NHCSXH đưa ra đã góp phần nhân thêm thành công trong việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống. Để rồi nhìn lại sau 6 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác của địa phương cho vay hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách đã tăng gần 4,3 lần so với trước khi có Chỉ thị, tương đương 16.271 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang NHCSXH đến 31/10/2020 đạt hơn 20.079 tỷ đồng.
Cùng với đó là sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đó trở thành đòn bẩy, một công cụ quan trọng trực tiếp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt gần 363 nghìn tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 1,4 triệu lao động; giúp hơn 23 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 314 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 119 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Dưỡng ấm no vững bền
Hiệu ứng của các phong trào thi đua càng rõ hơn khi Ban lãnh đạo NHCSXH vừa triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động, đồng thời lồng ghép và đan xen vào đó phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề với nhiều chuyên đề thi đua trở thành “xương sống” thực thi các nhiệm vụ chuyên môn có tính thời sự, mới và phức tạp trong thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Sức sống của các phong trào thi đua ngày càng lớn mạnh khi NHCSXH xây dựng và hoàn thiện tiêu chí xếp loại và đánh giá cụ thể, công khai, minh bạch để khen đúng, thưởng đúng. Đặc biệt, NHCSXH đã quy định tiêu chí đánh giá 12 chuyên đề thi đua trong hệ thống, thành lập các khu vực thi đua, hướng dẫn tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Đồng thời lấy kết quả phong trào thi đua là một tiêu chí trong đánh giá thi đua, xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống.
Các phong trào thi đua thường xuyên và chuyên đề không tách bạch riêng biệt, và có sự đan xem lồng ghép vào nhau đã góp phần gia tăng sự lan tỏa hiệu ứng trong hoạt động tín dụng chính sách.
Đơn cử như, để thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, NHCSXH đã xây dựng và nâng cao chất lượng của hơn 10.400 Điểm giao dịch xã - xóa bỏ tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước. Cùng với đó, xây dựng, củng cố gần 175 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản, xóm, ấp, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cũng như thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH ở cơ sở.
Hiệu ứng từ những phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời đó đã đưa tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đến nay đạt trên 224,5 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,7% tổng dư nợ.
Đời sống của hộ dân được cải thiện không chỉ giải quyết bài toán chính sách giảm nghèo mà cao hơn là củng cố niềm tin của Dân với Đảng và sự bền chắc trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, góp phần giúp 4.554 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51,16% tổng số xã; 91 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Quan trọng hơn, dưới lá cờ thi đua, NHCSXH đã sớm cán đích Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2010 - 2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, hoàn thành tốt sứ mệnh ủy thác mà Đảng, Chính phủ giao cung ứng vốn tín dụng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập.