Tín dụng chính sách (TDCS) xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản, bền vững và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không đơn thuần chỉ là đơn vị ủy thác của Chính phủ một cách tích cực...
Tín dụng chính sách (TDCS) xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản, bền vững và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không đơn thuần chỉ là đơn vị ủy thác của Chính phủ một cách tích cực và hiệu quả mà còn đảm nhiệm vai trò cầu nối, đòn bẩy thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách, đồng thời “thổi hồn” vào từng chính sách qua sự bền bỉ sáng tạo thực thi các chính sách đó.
“Chia ngọt, sẻ bùi”
Với gia đình ông Thạch Hoài Phong ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (Cầu Ngang - Trà Vinh), ngày Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đến thăm không chỉ là niềm vui, niềm tự hào với bà con trong ấp, mà hơn thế đó là dịp để ông thêm một lần cảm tạ những người cán bộ tín dụng đã âm thầm mang tư duy phát triển kinh tế hàng hóa cùng nguồn vốn chính sách đến giúp gia đình ông cùng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng nông thôn chiến thắng nghèo đói.
“Năm 2009, gia đình vay 4 triệu đồng của NHCSXH để trồng màu. Tích lũy qua nhiều lần vay vốn, thuê thêm ruộng để làm, đến nay gia đình đã có nhà cửa khang trang và hơn 5.000m2 đất trồng màu. Cuộc sống gia đình đã ổn định”, ông Phong xúc động nói.
Ngoài khoe con đi học trung cấp kỹ thuật cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi HSSV của NHCSXH, ông Phong còn chỉ tay vào chiếc máy gặt lúa Kubota còn mới nằm bên hiên nhà: “Giờ tôi không còn phải đi lái máy thuê nữa. Mua cái máy này 100 triệu đồng, vụ đầu vừa rồi, trừ chi phí, thu được khoảng 30 triệu đồng”.
Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, 11 chương trình TDCS ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng đã giúp 1.090 hộ dân trong xã có cơ hội phát triển kinh tế, trong đó có 825 hộ gia đình DTTS đang có dư nợ 12.532 triệu đồng. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 958 triệu đồng, tuy không lớn song cũng cho thấy bước chuyển trong tư duy của người dân với thói quen tích lũy.
“Các chương trình TDCS xã hội đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn TDCS, người dân đã có chuyển biến về nhận thức, đặc biệt là giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hướng đến mọi “ngóc ngách” đói nghèo
Lời tâm tình, đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn như ở Thuận Hòa cũng là những điều mà lãnh đạo NHCSXH luôn muốn tận mắt thấy, tai nghe trong hành trình khảo sát tổ chức thường xuyên hằng năm. Không chỉ là kiểm nghiệm thành quả của các chương trình tín dụng đã triển khai mà hơn thế, lãnh đạo NHCSXH muốn thêm một lần nữa kiểm chứng các đề xuất từ cơ sở, lắng nghe từng tiếng lòng của người dân về các chính sách tín dụng. Từ đó tìm ra cái ưu để nhân rộng, cái nhược để chỉnh sửa, khắc phục và cao hơn là kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để có chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả của việc gần dân, sát dân, đặc biệt là sự lắng nghe thấu hiểu được kết tinh trong các đề xuất xây dựng chính sách tín dụng của NHCSXH với NHNN, các bộ, ngành và Chính phủ dần hoàn thiện hệ thống các giải pháp hướng đến mọi “ngóc ngách” đói nghèo, tạo cơ hội cho người dân giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững.
Nhìn lại 8 năm thực hiện Chiến lược Phát triển NHCSXH 2011 - 2020, có tới 8/22 chính sách tín dụng mới và một chính sách được điều chỉnh bổ sung để tiếp tục thực hiện. Trong đó, có nhiều chính sách kết nối, bổ trợ nhau tạo thành những nấc thang trợ đỡ người nghèo tích lũy nguồn thu, nuôi dưỡng sinh kế để không rơi vào tình trạng tái nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Không chỉ hướng tới 100% đối tượng có nhu cầu vay vốn được đáp ứng, các chính sách cũng được triển khai điều chỉnh cho phù hợp với khả năng sử dụng thanh toán của đối tượng cũng như từng địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH.
Hay như từ việc thị sát thực tế, mong muốn của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hùng đã được Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng “đáp ứng” với việc công bố bổ sung cho xã 1 tỷ đồng để cho vay hộ đồng bào DTTS và 3 tỷ đồng để cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Quan trọng hơn, những sản phẩm dịch vụ ấy giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường, có vay có trả, mạnh dạn vay vốn nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường.
Cũng từ kiến nghị của các địa phương và trong những chuyến công tác thực tế hỗ trợ thiên tai lũ lụt của lãnh đạo NHCSXH, các giải pháp khoanh, giãn nợ và cho vay tái sản xuất kịp thời được triển khai, đưa nguồn vốn TDCS vừa là lực đẩy, vừa là lực kéo giúp người dân tái sản xuất, gia tăng ý chí thoát nghèo bền vững.
Cầu nối sức mạnh cả hệ thống chính trị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra: Ở đâu lãnh đạo địa phương và các cấp ngành quan tâm, ở đó công tác giảm nghèo hiệu quả. Những năm qua, song hành cùng với việc khảo sát thực tế thực thi TDCS, Ban lãnh đạo NHCSXH, đặc biệt là Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng luôn chủ động kết nối cùng chính quyền và các cấp hội, đoàn thể để tăng cường hiệu quả triển khai công tác TDCS. Trong vai trò cầu nối các nguồn lực thực hiện TDCS, NHCSXH đã từng bước đề xuất các chính sách kết nối cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo. Như việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, gắn nguồn vốn TDCS với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cao hơn nữa là việc ra đời Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với TDCS. Với cán bộ NHCSXH, lớn hơn cả niềm vui được địa phương quan tâm về điều kiện làm việc là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn có mức tăng ngày càng lớn. Song song với sự chủ động ủy thác của địa phương, hằng năm từ Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đến các chi nhánh cấp tỉnh, luôn chủ động đề xuất kế hoạch ủy thác cũng như đôn đốc địa phương chuyển nguồn. Ở cấp Trung ương, lãnh đạo NHCSXH chủ động gặp gỡ họp bàn, trao đổi giữa chính quyền địa phương, góp phần đưa Chỉ thị số 40 vào sâu trong cuộc sống, góp thêm sức mạnh nguồn lực giảm nghèo cả về vật lực và trí lực. Danh sách các tỉnh có nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH hơn 100 tỷ đồng ngày càng dài, không chỉ có ở các tỉnh điều kiện kinh tế phát triển mà cả ở những địa bàn khó khăn.
Cùng với việc kiện toàn hệ thống mạng lưới ủy thác thông qua tổ, hội, mô hình hoạt động “Điểm giao dịch xã” là sản phẩm riêng có của NHCSXH, đặt gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn trong cả nước, đưa nguồn vốn TDCS đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Con số gần 7 triệu khách hàng trên toàn quốc đã đưa NHCSXH vào danh sách một trong những hệ thống cung cấp tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới mà Tổng thư ký Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) Prasun Kumar Das đã ghi nhận trong chuyến công tác và tham dự hội thảo tại Việt Nam năm 2018.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra cho cán bộ, viên chức trong hệ thống NHCSXH: “Sự nghiệp giảm nghèo càng về sau càng khó hơn”. Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng đặt nhiệm vụ với cán bộ NHCSXH: “Không chỉ là cho vay được đúng, vay đủ mà trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục kiên trì vận động bà con, hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình để tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Một khi bà con còn nghèo, địa phương còn hộ nghèo thì chúng ta vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cùng bà con tìm ra giải pháp thoát nghèo”.
Nhìn lại 16 năm, hành trình hiện thực hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tính đến thời điểm cuối năm 2018, doanh số cho vay đã đạt hơn 500.000 tỷ đồng. Qua đó giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển SXKD; góp phần giúp trên 5,6 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động, hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp NS