Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 2:29

Thực hiện giảm nghèo bền vững: Tín dụng chính sách điểm sáng nổi bật

KTNT - Đó là ý kiến đánh giá chung của các nhà khoa học, các giảng viên đến từ Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Ngân hàng sau chương trình trao đổi, khảo sát và tìm hiểu thực tế hoạt động của NHCSXH vào những ngày đầu tháng 8/2017.

Đoàn khảo sát rất ấn tượng với hoạt động của các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã.

Đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, NHCSXH huyện Quảng Xương và Điểm giao dịch xã Quảng Phong (Quảng Xương). Qua khảo sát thực tế, các nhà khoa học đã có cái nhìn rõ hơn về đặc thù hoạt động của NHCSXH, đó là mạng lưới các điểm giao dịch tới tận xã/phường/thị trấn; hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại thôn, bản; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và sự tham gia của chính quyền địa phương trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Gần 15 năm hoạt động, với nhiệm vụ chính trị được giao là tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 78/2002/NQ-CP của Chính phủ đến tận tay, đúng đối tượng thụ hưởng một cách an toàn, hiệu quả nhất, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt trên 8.000 tỷ đồng, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà các hộ gia đình khó tiếp cận với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, từ đó giúp hộ gia đình có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 442.000 lượt hộ, giúp trên 275.000 hộ nghèo cải thiện cuộc sống, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần đưa 118.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 19.500 lao động, giúp 284.000 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng 348.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 33.000 căn nhà cho người nghèo…

Hoạt động hiệu quả của NHCSXH Thanh Hóa đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 11%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện 30a giảm bình quân 4 - 5%/năm, từ 33,9% (năm 2015) xuống còn 29,13% (năm 2016).

Trao đổi về hiệu quả hoạt động của NHCSXH Thanh Hóa, PGS.TS.Trương Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho biết: Hoạt động của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa là hết sức hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy của hộ nghèo, đồng bào DTTS, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hiệu quả, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tại buổi làm việc với NHCSXH huyện Quảng Xương, Phó chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Trần Thế Lưu nhấn mạnh: Năm 2017, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, vì vậy UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn nhằm nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống mức thấp nhất. 

Tại Điểm giao dịch xã Quảng Phong, đoàn khảo sát đã nghe báo cáo đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Xã Quảng Phong có 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ vốn vay tại NHCSXH trên 10 tỷ đồng.

Qua nghe báo cáo của Chủ tịch UBND xã, của các hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và tìm hiểu quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các thành viên trong đoàn khảo sát đánh giá cao vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn và hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, cánh tay nối dài của NHCSXH.

Các thành viên trong đoàn khảo sát đều đánh giá tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình, giúp họ cải thiện cuộc sống, đó thực sự là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo. Việc triển khai chính sách này là mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các hội, đoàn thể và người nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua thực hiện chương trình đã động viên sự tham gia của toàn xã hội để giúp đỡ người nghèo. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách do các cấp chính quyền phân bổ cho từng địa phương được chuyển tải đến hộ vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản. Các hộ tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, ổn định xã hội. Hoạt động hiệu quả của NHCSXH đã tạo điều kiện cho các chương trình tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, qua đó đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.         

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top