Sau 15 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã và đang xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa nhận ủy thác một số nội dung công việc cho vay đã tạo điều kiện cho việc công khai, dân chủ hóa kênh tín dụng chính sách trong cộng đồng dân cư.
Nông dân nghèo Thái Bình vay vốn phát triển kinh tế gia trại, trang trại.
Là một huyện thuần nông, những năm qua, Quỳnh Phụ (Thái Bình) luôn xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xây dựng phong trào “cánh đồng 50 triệu”, thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì mở rộng nhiều nghề truyền thống và du nhập nghề mới… nhằm nhanh chóng đưa công cuộc giảm nghèo, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành công.
Cụ thể, năm 2016, toàn huyện đã có gần 300 “cánh đồng 50 triệu” với tổng diện tích 389ha, chiếm hơn 30% diện tích đất canh tác, xây dựng phát triển được 35 làng nghề, 5 xã nghề với 21.317 lao động, đem lại giá trị 890 tỷ đồng tăng 5,5 lần so với năm 2010.
Có được kết quả đó là do Quỳnh Phụ triển khai đồng bộ những giải pháp hữu hiệu, trong đó coi trọng thực hiện dân chủ, công khai trong đầu tư tín dụng chính sách nên đã phát huy và khai thác thế mạnh của địa phương thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó giám đốc NHCSXH huyện Quỳnh Phụ Đặng Thị Minh Nguyệt: “Cùng với việc bám sát kế hoạch, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH huyện Quỳnh Phụ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Tính đến nay, tổng dư nợ trên toàn huyện đạt 349 tỷ đồng với trên 14.000 hộ vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các chương trình dành cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm”.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được bình xét công khai và dân chủ, giải ngân kịp thời, cùng với đó việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nhiều khách hàng của NHCSXH huyện Quỳnh Phụ thu được kết quả tốt trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao, giúp mở mang ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Điển hình là gia đình ông Ngô Quang Phùng thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2014 được các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Vũ, xã An Khê bình xét, đề nghị NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để nuôi 2 con bò sinh sản. Sau 3 năm, nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo, đàn bò của nhà ông Phùng đã phát triển thành 5 con. Đầu năm vừa rồi, ông bán 2 con, thu về hơn 60 triệu đồng. Số tiền thu được, ông tiếp tục nhân đàn, đang phấn đấu trở thành chủ trang trại bò có quy mô lớn trong xã.
Còn anh Nguyễn Xuân Hòa cũng ở thôn An Vũ, xã An Khê được Đoàn Thanh niên xã giới thiệu tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn và được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, anh đã đầu tư mua máy dệt chiếu. Nhờ vậy, xưởng dệt của anh tăng công suất gấp 3 lần so với trước và tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. “Thủ tục vay vốn NHCSXH rất thuận tiện, đơn giản; người dân vay, sử dụng vốn ưu đãi vào sản xuất, kinh doanh cũng được chính quyền, đoàn thể khuyến khích, tạo điều kiện khá thuận lợi”, anh Hòa cho biết.
Song song với việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với bà con, NHCSXH huyện Quỳnh Phụ chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo các xã, thị trấn tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát kiểm tra các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện bình xét việc vay vốn chính sách đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm túc, đồng thời nỗ lực chuyển tải nhanh nhất nguồn vốn chính sách đến 100% xã, thị trấn, đầu tư có hiệu quả vào phát triển chương trình kinh tế trọng điểm, chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu cuối năm 2017 tăng trưởng dư nợ lên 370 tỷ đồng, giảm nợ quá hạn xuống còn 0,2%, nâng số xã không có nợ quá hạn lên 25% trong tổng số 36 xã, thị trấn trên địa bàn.
Xuân Dư