Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:20

Thuốc kháng sinh trong NN: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thuốc kháng sinh ngày càng được dùng nhiều trong nông nghiệp thông qua việc phun vào cây ăn quả và trộn vào thức ăn của gia súc, gia cầm.

tr9d.jpg
Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu diễn ra phổ biến tại nhiều vùng trồng rau.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các mầm bệnh kháng thuốc xuất hiện theo chân những loại thuốc kháng sinh này làm tăng những vi khuẩn có khả năng miễn dịch với các phương pháp điều trị sẵn có.

Mối nguy tiềm ẩn

Việc sử dụng chất kháng sinh trong nông nhiệp đã góp phần làm tăng khả năng kháng thuốc cho các loại vi khuẩn gây bệnh ở người. Vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc kháng sinh hiện được tìm thấy trong không khí và đất xung quanh các trang trại và nước ngầm, trong cơ thể động vật sống hoang dã, và thậm chí trong thịt gia cầm và gia súc được bán tại các cửa hàng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong nuôi trồng thủy sản không thể loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng này tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản cho biết, tác hại trước mắt của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam. 

Theo PGS.TS Võ Thị Trà An, Trường ĐH Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh, kháng sinh được sử dụng với mục đích kích thích sinh trưởng, phòng bệnh và trị bệnh. Hiện nay, tình trạng tồn dư kháng sinh dẫn đến kháng kháng sinh cũng đang ở mức báo động. Theo chuyên gia này, sự lan truyền đề kháng kháng sinh hiện nay do vật nuôi dùng kháng sinh và phát triển vi khuẩn đề kháng. Vi khuẩn kháng thuốc có trong thịt động vật và truyền cho người nếu không nấu chín hoặc làm sạch. Phân bón, nước nhiễm phân vật nuôi và vi khuẩn kháng thuốc dùng cho cây, có thể đến ruột con người.

Đã có nhiều vụ việc bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, các chủ vườn rau sử dụng kháng sinh trong việc chăm bón cho cây, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thậm chí tiêm, bơm thuốc kích thích vào quả, thuốc bảo quản thực phẩm vào thực phẩm để bán ra thị trường.

Bác sỹ Trần Bùi Quang Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (Hà Nội), cho biết: Hiện, tỷ lệ bệnh nhân mắc những căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh về ung thư khá cao. Các loại thuốc đặc trị đối với những căn bệnh này chỉ có hiệu quả trong giai đoạn đầu, còn sau đó, gần như là kháng thuốc. Nguyên nhân cũng có một phần do dư lượng kháng sinh vẫn còn tồn đọng trong thực phẩm chưa chuyển hóa hết, khi vào cơ thể sẽ tích tụ và gây ra những biến đổi gien, sinh bệnh tật.

Việc tồn dư kháng sinh trong nông nghiệp là một trong những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, việc tồn dư các kháng chất có trong rau, củ, quả, thực phẩm, thủy - hải sản đang là một mối nguy hại rất lớn, bởi chính sự tồn dư kháng sinh này sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến việc điều trị bệnh cho người đạt hiệu quả thấp, thậm chí không đạt hiệu quả.

Biện pháp nào?

Trước tình hình các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm còn tồn dư nhiều kháng sinh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả việc quản lý an toàn thực phẩm; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10%.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phân loại, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top