Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 1 năm 2021 | 15:46

Tin ATTP: Các địa phương thành lập đoàn kiểm tra thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 không còn nhiều, thời gian này cũng là thời gian tình trạng buôn bán, chuyển chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi chế biến và tiêu thụ.

Nắm bắt được quy luật này, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra anh toàn thực phẩm dịp Tết.
 
TP.HCM lập 20 đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
 
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, từ đầu tháng 10/2020, đơn vị này đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận Bình Tân, Bình Thạnh, Quận 5, Quận 10 và huyện Bình Chánh...
 
nông-sản-về-chợ-đầu-mối-thủ-thức.jpg
Chợ đầu mối là địa điểm để kiểm tra thực phẩm

 

Hiện nay, Ban đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên, tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm tết, rượu bia...
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết: “Chúng tôi tăng cường công tác thanh tra không chỉ kênh phân phối hiện đại mà còn các kênh phân phối truyền thống, chợ truyền thống trên địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi lưu ý đến các nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa không chứa hóa chất độc hại. Chúng tôi kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra chuyên ngành ở các quận, huyện tăng cường kiểm tra"
 
Hà Tĩnh tăng cường kiểm soát, xử lý thực phẩm giả, kém chất lượng dịp Tết và lễ hội xuân
 
Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 với mục tiêu đảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
 
giò-hà-tĩnh.jpgLực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó có các sản phẩm chế biến từ thịt.
 
Theo đó, trong hoạt động truyền thông giáo dục tập trung huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện, các cơ quan thông tấn truyền hình, báo chí để phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan, các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP, bảo đảm ATTP cho các cấp quản lý, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định pháp luật; quản lý ATTP tại nơi diễn ra lễ hội, quản lý ATTP theo đặc thù địa phương;
 
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ huyện đến xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra tại địa bàn quản lý.
 
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh triển khai kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 15/1/2021 đến ngày 10/2/2021.
 
Thanh Hóa: Bắt quả tang cơ sở thu gom thịt bẩn về rán lấy mỡ bán cho quán cơm rang
 
Để lấy mỡ cung cấp cho các quán cơm rang trên địa bàn, Đỗ Thị Lượt ở Thanh Hóa đã đi thu gom thịt trâu, bò bẩn, ôi thiu ở các lò giết mổ rồi mang tới một ngôi nhà hoang chế biến lấy mỡ bẩn mang bán.
 
Ngày 10-1, tin từ Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan này vừa bắt quả tang Đỗ Thị Lượt (SN 1977; ngụ thị trấn Thọ Xuân) đang sản xuất một số lượng lớn mỡ bẩn được nướng một cách thủ công từ thịt trâu, bò ôi thiu.
 
Tại chỗ, Công an huyện Thọ Xuân đã phát hiện Đỗ Thị Lượt đang cho khoảng 1 tạ thịt trâu, bò ôi thiu lên một bếp than lớn và nướng cho mỡ chảy ra rồi đổ vào các thùng phuy đựng sẵn. Điều đáng quan tâm là tất cả các dụng cụ dùng nấu, múc mỡ, đựng đều bẩn và bốc mùi nặng.
 
Tại thời điểm kiểm tra, Lượt không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số thịt trâu, bò đang để tại cơ sở và giấy tờ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Bơm nước vào bò trước khi giết mổ
 
Công an thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vừa phát hiện, ngăn chặn một vụ bơm nước vào bò trước khi giết mổ, để tăng trọng lượng thịt. Đây là hành vi gian dối trong kinh doanh, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Trước đó, lúc 14 giờ 30 phút ngày 9/1/2021, Công an thị xã Trảng Bàng kiểm tra Công ty sản xuất thương mại P. T. V. (cơ sở chuyên giết mổ trâu bò) thuộc khu phố Gia Tân, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng. Quá trình kiểm tra tại khu nhà tập trung động vật chờ giết mổ của Công ty có 7 con bò, lực lượng Công an phát hiện Võ Văn Kiêu, sinh năm 1975, ngụ khu phố Lộc Khê, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, đang dùng ống nhựa bơm nước vào miệng một con bò; nước được bơm từ giếng khoan tại cơ sở giết mổ.
 
Quá trình điều tra ban đầu, công an xác định, trước đó Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1976, ngụ ấp Láng, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, gọi điện thoại cho Linh (chưa rõ địa chỉ cụ thể) để Linh liên hệ với Công ty sản xuất thương mại P.T.V giết thuê 5 con bò cho Tâm, Công ty này đồng ý. Khoảng 11 giờ ngày 9/1/2021, Tâm thuê xe chở 5 con bò đến Công ty sản xuất thương mại P.T.V. và gọi cho Kiêu để thuê Kiêu bơm nước vào 5 con bò với giá 30.000 đồng/con, nhằm mục đích tăng trọng lượng thịt sau khi giết mổ để bán kiếm lời.
 
Hà Nội lấy 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu xét nghiệm SARS-CoV-2
 
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vừa cho biết năm 2021, ngoài việc kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ lấy 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 qua đó xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
 
lấy-mẫu-xét-nghiệm-covi-2.png
Cơ quan chức năng lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu - Ảnh: Lăng Trần
 
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường vệ sinh, khử khuẩn định kỳ, bố trí bộ phận đón tiếp, đo thân nhiệt, đặt các dung dịch rửa tay sát khuẩn ở vị trí thuận tiện và hướng dẫn khách hàng ra, vào mua sắm thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc, rửa tay sát khuẩn; từ chối phục vụ các khách hàng không đeo khẩu trang. Qua kiểm tra, nếu các cơ sở không tuân thủ các biện pháp phòng dịch cũng sẽ bị xử phạt.
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top