Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 2017 | 3:45

Định mức vay phục vụ sản xuất nông nghiệp tối đa là 3 tỷ đồng

"Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay vốn không cần tài sản bảo đảm từ mức 50 triệu đồng lên tối đa 3 tỷ đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp".

Đó là quy định về cho vay nông nghiệp nông thôn tại Nghị định 55 của Chính phủ

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn: “Trong những tháng đầu năm 2017 một số vùng miền đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai do bão lũ, lũ lụt gây thiệt hại rất lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Xin Thống đốc cho biết ngành ngân hàng đã, đang và sẽ có những giải pháp đặc thù gì hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất và kinh doanh.

Thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã nỗ lực trong việc cung ứng vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là trong lĩnh vực ưu tiên. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri và nhân dân đánh giá rất cao gói tín dụng này với lãi suất hợp lý và giảm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nguyện vọng và mong muốn của cử tri vẫn có nhu cầu vay vốn ở mức cao hơn như từ mức 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và ưu tiên nguồn vốn trung và dài hạn để cho nhân dân vay phát triển sản xuất phù hợp với chu kỳ sản xuất và kinh doanh. Xin Thống đốc cho cử tri biết chủ trương về vấn đề trên trong thời gian tới như thế nào?”.

Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay (17/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Đối với hậu quả do thiên tai lũ lụt, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55 Chính phủ về chính sách tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và khoanh nợ để tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị mà gặp rủi ro thì khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ nhưng vẫn gặp khó khăn có thể trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét xóa nợ. Ngay sau các thiệt hại chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thống kê, qua thống kê sơ bộ thì số dư nợ vay vốn bị thiệt hại do bão số 2, mưa lũ tháng 8 và cơn bão số 10 vừa qua là hơn 1.000 tỷ đồng, với số lượng khách hàng vay vốn bị thiệt hại hơn 23.000 khách hàng. Các tổ chức tín dụng đang tiếp tục rà soát và thống kê thiệt hại của người dân do mưa lũ tháng 10 và cơn bão số 12 vừa qua để đề xuất các giải pháp tiếp tục xử lý đối với các dư nợ bị thiệt hại nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và người vay vốn.

Đối với Ngân hàng chính sách xã hội thì sẽ phải thực hiện cơ chế xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ như gia hạn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và xóa nợ. Chúng tôi đã rất chủ động triển khai trong việc rà soát đánh giá thiệt hại và tiếp tục trong thời gian tới sẽ yêu cầu các Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cũng như các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát và có những biện pháp cụ thể để khoanh nợ, giãn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cho vay mới”.

Về việc nâng mức cho vay cũng như cho vay vốn tín dụng trung, dài hạn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, theo quy định về cho vay nông nghiệp nông thôn thì Nghị định 55 của Chính phủ đã quy định: "Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay vốn không cần tài sản bảo đảm từ mức 50 triệu đồng lên tối đa 3 tỷ đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp", đây là mức vay không có tài sản bảo đảm và đã cao gần 2 lần so với quy định trước đây tại Nghị định 41 và cũng là phù hợp với việc vay vốn  không có tài sản bảo đảm của các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Nghị định 55 cũng quy định thời gian cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, đồng thời đã có quy định  hình thức cho vay lưu vụ để phù hợp với các điều kiện của từng vùng và từng chu kỳ sản xuất kinh doanh. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách  hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước để tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Vừa qua, trong Thông tư 39 về ban hành quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng đã có ban hành những quy định rất cụ thể để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng có hình thức cho vay có tính chất phù hợp với hoạt động sản xuất, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

D.T

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top