Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 4 năm 2020 | 11:49

Tin ATTP: Cần quản lý chặt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cả nước hiện nay có trên 27 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ. Tuy nhiên việc kiểm tra về ATTP ở những cơ sở này rất thấp, dẫn đến nguy cơ thực phẩm ở đây mất an toàn VSTP rất cao.

Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu hết đều không an toàn
 
Vào hệ thống Google tìm với từ khóa “xử lý các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” chúng ta sẽ có được hơn 95 nghìn kết quả, điều này có thể cho chúng ta thấy, việc phát hiện và xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh là rất lớn.
 
75521608_1002747376746056_5062208481252081664_n.jpg
Các cơ sở giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn VSTP 

 

Chỉ tính riêng Hà Nội, theo thống kê cho thấy, toàn TP hiện có tổng số 749 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên trong số đó chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp và 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; còn lại là 718 số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công (chiếm tới gần 96% tổng số cơ sở). Đáng chú ý, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng chỉ là 108 cơ sở, chiếm chưa tới 15% tổng số cơ sở giết mổ hiện có trên toàn TP. Trong khi các cơ sở giết mổ còn lại đều là tự phát, chưa được kiểm soát.
 
Như vậy, có thể thấy có đến hơn 80% các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công tại các hộ gia đình và các chợ dân sinh chưa được các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, công việc kiểm soát giết mổ chủ yếu từ 11 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhiều điểm giết mổ nằm phân tán trên địa bàn rộng, cho nên việc đi lại khó khăn. Các chủ hộ giết mổ tự phát khá “rắn mặt” khiến cán bộ thú y khó tiếp cận. Tại các chợ “cóc”, chợ tạm trong thành phố còn nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ mất vệ sinh, nhất là giết mổ gia cầm.
 
images.jpg
Việc giết mổ tại các cơ sở không tập trung làm công tác kiểm tra khó khăn
 
Việc các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh không chỉ có riêng Hà Nội, rất nhiều các tỉnh thành khác trên phạm vi cả nước đều có những cơ sở như vậy. Nguyên nhân có nhiều nhưng việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân chính.
 
Kiểm tra giám sát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
 
Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 27 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở một số địa phương phía bắc. Tại các cơ sở giết mổ này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp (5%), hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi và còn gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
 
images-1.jpg
Tổ chức các khu giết mổ tập trung
Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia đánh giá, đó là do lực lượng chức năng quá mỏng, trong khi các cở sở giết mổ lại quá nhiều và nằm giải rác, chính vì vậy việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình giết mổ hay không là một điều vô cùng khó khăn.
 
Bên cạnh đó, việc nhà nước đưa các khu giết mổ tập trung vào hoạt động còn chậm, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ chui; chưa thật sự quan tâm công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ.
 
455bdae485a46cfa35b5.jpg
Thường xuyên kiểm tra để hạn chế sản phẩm không đảm bảo ra ngoài thị trường.
 
Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, VSATTP của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Ngoài ra, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, VSATTP mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt để kiếm lời, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật ở các chợ “cóc”, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên, lại được vận chuyển bằng xe máy cho nên không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Để khắc phục những hạn chế trên cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị các cấp, các nghành, các địa phương. Xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để cho công tác quản lý được chặt chẽ.
 
Các lực lượng liên ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiểm tra các “lò mổ chui” không đủ điều kiện vệ sinh, chưa có giấy phép thì kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
 
Nhất là trong dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, việc bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân là hết sức cần thiết, vừa tạo sức đề kháng cho cơ thể vừa chống được các dịch bệnh có nguy cơ xảy ra. 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top