Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Theo báo cáo của Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, hiện, có 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm lắm, và trong 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì trên 20% vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong 5 năm qua có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 30 người mắc, 164 người chết. “Theo tôi, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi thực tế mỗi năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm và người dân tự xử lý", ông Mai nói và cho biết.
Trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân có điều kiện đã phải tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà... theo kiểu tự cung tự cấp để đối phó; đa số còn lại phó mặc sức khoẻ, tính mạng cho may rủi.
Ba bộ cùng quản lý chất lượng bún
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), cho biết: Theo điều tra của Hiệp hội ung thư thế giới, có khoảng 35% ca mắc ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn. Một nguồn tin từ văn phòng Quốc hội thực hiện phục vụ giám sát thì trả lời cho câu hỏi phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, 53,4% người được hỏi trả lời không hợp lý và chưa hợp lý lắm. Cũng câu hỏi trên, kết quả khảo sát của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã thống kê có 73% cán bộ y tế, 60% cán bộ công thương và 57% cán bộ nông nghiệp cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là không hợp lý. Có thể thấy, giữa người dân và cán bộ quản lý chuyên ngành đã có một sự tiệm cận về ý chí khi đánh giá, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, điều này không phải là không có lý.
Luật an toàn thực phẩm năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm, thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý, đồng thời, xác định rõ hơn trách nhiệm của mọi bộ, ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số ngành hàng hiện nay vẫn có sự đan xen hoặc không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào. Có thể đơn cử việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế. Dẫn chứng trên chỉ nhằm một lần nữa nói lên thực trạng an toàn thực phẩm đang gây nhức nhối trong toàn xã hội nhưng chưa có được một giải pháp căn cơ, triệt để, bởi từ khâu nhập, mua bán, sử dụng đến kiểm soát người sản xuất, kinh doanh và cả chính sách quản lý vẫn còn quá nhiều hạn chế, bất cập.
Theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), hiện, chúng ta đang có 3 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đó là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Tuy nhiên, một số quy định về phân công trách nhiệm vẫn còn chồng chéo và nhiều bất cập, một số mặt hàng, những sản phẩm giao thoa giữa các bộ đang có sự đan xen và không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chủ trì dẫn đến việc buông lỏng quản lý hoặc không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về một đầu mối duy nhất, không nên để 3 bộ đều quản lý như hiện nay.
Cùng xây dựng nền sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bộ Nông nghiệp xác định đợt giám sát an toàn thực phẩm này của Quốc hội, đây là một nội dung trúng, đúng, để đáp ứng yêu cầu mong mỏi của toàn hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường
Trong vòng 8 tháng, Bộ đã giám sát tới một phần ba số tỉnh, 210 các cơ sở thuộc 8 ngành sản xuất, kinh doanh liên quan trực tiếp đến vấn đề này.
Trong 5 năm thực hiện Luật an toàn thực phẩm đã có một bước cố gắng tích cực, sản xuất một khối lượng nông sản, tổ chức chế biến đáp ứng trên 92 triệu dân, về cơ bản, thỏa mãn nhu cầu. Đây là một kết quả tốt. Hoưn nữa, trong 5 năm cũng đã xuất khẩu chính ngạch đến 70 triệu tấn nông sản nếu cộng cả phi chính ngạch thì trên 100 triệu tấn nông sản, trị giá khoảng 140 tỷ đô la và thặng dư xấp xỉ 43 tỷ đô la… trong 5 năm vừa qua và giai đoạn trước chúng ta đã có một bước cố gắng tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, những vấn đề đang nhức nhối nổi lên như: thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; các hoạt chất đưa vào trong chuỗi sản xuất hiện sử dụng tràn lan, kém chất lượng…
Thuốc bảo vệ thực vật hiện có 4 nghìn tên thuốc thương phẩm. Trong 8 tháng vừa qua bộ đã rà soát, loại ra 600 sản phẩm không cần thiết đưa vào, lý do là độc rất cao, trong đó có 2 nhóm. Một là 2,4 D của thuốc diệt cỏ. Hai là nhóm Paraquat. Hai nhóm này rất độc, mặc dù thế giới còn nhiều nước dùng, nhưng chúng ta kiên quyết loại ra, không đưa vào. Cho đến nay tổng số đã loại được 600 sản phẩm và thời gian tới còn phải siết nữa. Bên cạnh chuyện đó là củng cố lại, kiểm tra, rà soát để hệ thống phân phối, công tác thông tin để người dân hạn chế sử dụng thuốc này, sử dụng đúng lúc, đúng cách để góp phần giảm độc hại từ đầu vào.
Phân bón cũng là một trong những vấn đề rất bức xúc hiện nay, 1 năm chúng ta dùng 8-10 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi tỷ lệ phân hữu cơ rất ít. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ đã quyết định chính thức bàn giao nhiệm vụ này từ Bộ Công thương quản lý một phần sang toàn bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ đã bàn cùng Bộ Công thương trong quý III phải trình xong Nghị định quản lý phân bón. Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho trình một nghị định về xử phạt nghiêm minh trong quản lý phân bón. Nếu nghị định này được thực thi không chỉ góp phần đảm bảo chất lượng của sản phẩm mà chính là góp phần đảm bảo môi trường. Hiện, Bộ đang tích cực chuẩn bị cao nhất để đầu quý III khi bàn giao chính thức nhiệm vụ toàn bộ phần quản lý Bộ Công thương sang Bộ Nông nghiệp đã có đủ chế tài để tập trung quản lý cả một hệ thống.
Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả hệ thống, nhưng những bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp phải cố gắng theo và sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát Bộ sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết, từ hoàn thiện tiếp các thể chế, các nghị định để trình Chính phủ, các thông tư. Mặt khác, tổ chức rà soát cơ quan, tổ chức của mình để thực thi pháp luật từ trung ương hướng đến các địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với địa phương để cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm phân công góp phần xây dựng một nền sản xuất cũng như chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, sạch để phục vụ nhân dân và phục vụ nền sản xuất hàng hóa trong hội nhập.
D.Thanh
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.