Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 1 năm 2019 | 10:54

Tin ATVSTP: Kiên quyết xử lý sai phạm về thực phẩm chức năng

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp ngày 4/1 của Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng
 
Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, trong năm 2018, công tác an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ công tác chỉ đạo, xây dựng, ban hành các văn bản; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án; thông tin, giáo dục truyền thông;… đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; kiểm nghiệm, giám sát, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
 
vu-dam.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo xử lý kiên quyết các sai phạm về thực phẩm chức năng (ảnh Internet)
 
Năm 2018, Bộ Y tế đã xử lý vi phạm hành chính hơn 88 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017. Cùng đó, các địa phương cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP, đã xử lý 41.229 cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng. Riêng Bộ công an đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can; đang điều tra, xử lý 184 vụ…
 
Báo cáo Ban chỉ đạo cũng nêu các tồn tại trong công tác an toàn thực phẩm cần tập trung khắc phục thời gian tới như: Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất nông, thủy sản vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải; tình hình buôn lậu qua biên giới, tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online, quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp;
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm - đánh giá, năm 2018 các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, công tác an toàn thực phẩm đã có tiến bộ rõ rệt trên các mặt, từ công tác xây dựng ban hành văn bản… đến hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Nổi bật là công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm và xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm sạch gắn với truy xuất nguồn gốc…
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới các cơ quan chức năng phải tiếp tục kiên trì, siết chặt quản lý, từng bước đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới; kiểm soát các lò giết mổ gia súc, gia cầm; triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ
 
Riêng với các loại thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo.
 
“Mọi hành vi “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh để đánh lừa người tiêu dùng đều phải bị nghiêm trị. Thậm chí cần tiến hành điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh một số vụ việc nổi cộm để răn đe và cảnh tỉnh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
 
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước trong việc sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm chức năng, quảng cáo sai mục đích công dụng của sản phẩm chức năng này, nhằm đanh lừa người tiêu dùng thành thuốc chữa bệnh. Hành vi này đã gây cho người tiêu dùng không những thiệt hại về kinh tế mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.
 
Chính vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần xiết chặt công tác cấp giấp phép kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng thực phẩm chức năng trên thị trường.
 
 
TP. Hồ Chí Minh: Thành lập đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết
 
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã, phường, tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.
 
tphcm.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh (ảnh báo CT)
Thông tin được Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2018, chiều ngày 4/1/2019.
 
Ông Dương Phát Chiếu, Phó Trưởng phòng Thanh tra Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong năm 2018 Ban và các quận, huyện đã kiểm tra hơn 41.000 cơ sở kinh doanh, phát hiện gần 11.400 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 27,8%). Trong đó, các đoàn kiểm tra của Ban đã kiểm tra và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phạt tiền 2.790 trường hợp, với tổng số tiền phạt gần 17 tỷ đồng.
 
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. Cụ thể: Từ nay đến 25/3, Ban sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã, phường, tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.
 
Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm đến người dân. Bên cạnh đó, Ban đã phối hợp với với các hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong các hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thời điểm này là giai đoạn tập kết hàng nhiều, những đơn vị sản xuất chế biến sẽ mua để chất trong kho lạnh, chờ gần đến dịp tết để làm thực phẩm như trữ thịt để làm giò, chả, lạp xưởng…Vì vậy, nguy cơ thịt kém chất lượng, quá hạn, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây hậu quả về an toàn thực phẩm, ngộ độc đối với người dân.
 
Hà Tình: Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
 
Từ ngày 3/1 đến 25/3/2019, Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP trên phạm vi toàn tỉnh dịp trước trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
 
Theo đó, đợt thanh tra, kiểm tra này được tiến hành ở các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm trên địa bàn.
 
tphcm-2.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra thực phẩm trong dịp tết Kỷ Hợi (ảnh minh họa)
Việc thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó tập trung vào những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP các đầu mối sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm.
 
Đây cũng là dịp để Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra tập trung kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng.
 
Trong đợt ra quân cao điểm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các huyện, thành phố, thị xã; Các địa phương, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ huyện đến xã, phường, thị trấn.
 
Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh yêu cầu, khi phát hiện vi phạm, các đoàn thanh, kiểm tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không đảm bảo ATTP phải có các biện pháp khắc phục có hiệu quả thì mới được tiếp tục hoạt động.
 
Từ nay đến tết Nguyên Đán Kỷ Hợi chỉ còn chưa đầy 1 tháng, đây là tháng cao điểm của các đối tượng sản xuất chế biến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về thực phẩm tung ra thị trường để tiêu thụ. Các cơ quan quản lý cần xiết chặt công tác quản lý để bảo đảm một cái tết an toàn sức khỏe cho nhân dân.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top