Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 5 năm 2020 | 17:8

Tin ĐBSH: Nhiều ưu thế vượt trội vải trứng "chinh phục" thị trường vải đầu mùa

Những năm gần đây, cây vải trứng đã mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất chiêm trũng ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi. Năm nay, nhiều hộ dân trồng vải trứng rất phấn khởi vì vải được mùa, được giá.

img6042result_20200522154041.jpg
Vải trứng chuẩn bị thu hoạch ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ).

 

Hưng Yên: Độc lạ vải trứng giá cao gấp 3 lần

Cùng với thời gian thu hoạch sớm, ưu thế vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả. Do vậy vải trứng hiện được bán tại vườn với mức trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với vải lai chín sớm.

Giống vải trứng được trồng khởi điểm tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), với cây vải gốc khoảng 150 tuổi, do cụ Nguyễn Văn Diệm (ông nội ông Vì) trồng. Do hợp thổ nhưỡng, nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác.

Từ cây vải này, con, cháu cụ Diệm lưu giữ và nhân giống cho nhiều người dân trong vùng trồng. Năm 2019, xã Phan Sào Nam đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Tiến nhằm bảo tồn và phát triển giống vải quý này.

Với 3 mẫu trồng vải trứng, gia đình anh Mai Văn Diện ở thôn Ba Đông hiện là hộ có diện tích trồng loại cây này lớn nhất ở xã Phan Sào Nam. Nhờ thời tiết thuận lợi và kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc, vụ này, gia đình anh ước thu trên 7 tấn quả.

Thời điểm này, những chùm vải trứng sai lúc lỉu của gia đình anh đang bắt đầu vào mã, quả to, đẹp mắt khiến người đi qua trông thấy phải trầm trồ. Anh Diện cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm tôi đã chiết khoảng 60 cây giống từ vườn vải trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Vì. Sau đó tôi tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích. Năm nay sản lượng vải trứng của gia đình tôi cao hơn so với năm ngoái, từ 100 cây vải trứng, tôi ước thu 7 tấn quả, bán với giá 60.000 - 70.000đồng/kg; dự kiến mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 400 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: “Hiện nay, toàn xã có trên 200 hộ trồng vải trứng với khoảng 78ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ba Đông. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng năm nay ước đạt từ 20 - 25 tấn. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa, rau màu, cây ăn quả khác kém hiệu quả sang trồng vải trứng. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ... xây dựng quy trình chăm sóc, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong xã để nâng cao năng suất, chất lượng vải trứng...”.

Nằm giáp xã Phan Sào Nam, gia đình ông Đoàn Văn Hiểu ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc (Ân Thi) hiện có 24 cây vải trứng đang cho thu hoạch. Ông Hiểu cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng vải trứng của gia đình tôi ước đạt 2,5 tấn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Do số lượng không nhiều nên hàng năm, thương lái đếu đến tận vườn đặt mua trước. Tôi cũng sẽ tiến hành ghép mắt thay thế toàn bộ 2,5 mẫu vải lai chín sớm sang vải trứng để nâng cao giá trị kinh tế”.

Theo người trồng vải trứng, đây là loại cây khó tính đòi hỏi chăm sóc kỳ công nhưng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần vải bình thường. Thông thường, cây cho thu hoạch cách năm, tức là 1 năm được mùa sẽ xen 1 năm mất mùa. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng vải theo quy trình Vietgap, nhiều hộ trồng vải trứng đã khắc phục được hạn chế này để vải ra hoa đều hàng năm.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ, hiện nay, diện tích vải của toàn huyện là 836ha, trong đó, vải trứng là 110ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi và bà con đã có kinh nghiệm thâm canh giống vải trứng nên sản lượng đạt khoảng 50 tấn, cao hơn năm trước. Vải trứng là giống vải đặc sản của địa phương với mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2 - 3 lần so với vải lai chín sớm. Huyện Phù Cừ đã có kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ mở rộng thêm 85,4ha vải trứng, tập trung ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Đoàn Đào, Minh Hoàng, thị trấn Trần Cao để phát triển diện tích cây vải trứng theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

Ninh Bình: Phát triển chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao

Dứa Đồng Giao là đặc sản của Ninh Bình, có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao. Tuy nhiên, đây chỉ là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp luật có liên quan, về lâu dài, để khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ này, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường thì đơn vị quản lý và người dân trồng dứa còn nhiều việc phải làm.

 

dua.jpg
Dứa Đồng Giao đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Từ năm 1967, cây dứa được đưa về trồng ở Nông trường Đồng Giao (nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao), nó tồn tại và phát triển bền vững và trở thành biểu tượng và sản phẩm chính của đơn vị.

Hiện nay, ở Tam Điệp, cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả (khoảng 3.600 ha) với khoảng 1.700 hộ chuyên trồng dứa, tổng sản lượng dứa mỗi năm từ 55.000- 60.000 tấn.

Sau thời gian triển khai thực hiện, tháng 5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao.

Đây là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp lý có liên quan song đã có những tác động tích cực, bước đầu giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời làm thay đổi nhận thức của người sản xuất… Minh chứng là trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của Công ty vẫn bằng 431% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà chính bà con nông dân cũng đang rất vui mừng bởi sản phẩm dứa sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Thanh, đội Hang Nước, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phấn khởi cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá dứa ổn định, thậm chí thời điểm này, mặc dù đã vào chính vụ nhưng giá không bị giảm mà còn tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bà con chúng tôi rất tự hào và sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc, thương hiệu dứa Đồng Giao. Niềm vui của những người nông dân chúng tôi là sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, để chế biến và xuất khẩu đi các nước, được thế giới biết đến.

Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để phát triển nhãn hiệu Dứa Đồng Giao cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, tất cả các nhà sản xuất, nhà chế biến và những người nông dân. Trước tiên, cơ quan quản lý nhãn hiệu này là UBND thành phố Tam Điệp phải thực hiện đúng các quy trình, các quy định đã đề ra trong quá trình tạo lập, xây dựng chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao.

Cụ thể như việc quản lý tem, nhãn mác hay tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, tập huấn cũng như giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là thực phẩm cần gắn với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chúng ta phải tích hợp được chỉ dẫn địa lý với cải thiện chất lượng, công nghệ và chế biến sâu để bán được sản phẩm với mức giá ngày càng cao. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ra thị trường trong và ngoài nước để người tiêu dùng biết đến, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Vĩnh Phúc: Chủ động phòng, chống nóng cho đàn vật nuôi

Thời điểm này, nắng nóng gay gắt xuất hiện liên tục, làm tăng nhiệt khu vực chuồng trại, ảnh hưởng không nhỏ sức đề kháng của đàn vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Dương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống nắng, nóng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

 

1_25.jpg
Gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Đồng Lực, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) bổ sung thêm Vitamin C, chất điện giải B.Complex để tăng sức đề kháng cho đàn gà trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: Nguyễn Lượng)

 

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Tam Dương có hơn 14 nghìn con trâu, bò; gần 98 nghìn con lợn; gần 3,6 triệu con gia cầm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, giúp giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, năm nay, thời tiết diễn biến khó lường; mới chớm hè mà nắng nóng gay gắt xuất hiện liên tục, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Gia súc, gia cầm rất có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng hoặc mắc các bệnh như tụ huyết trùng, tiêu chảy, Ecoli,… gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng Phòng NN&PTN huyện Tam Dương Trần Quốc Trí cho biết: Ngay từ đầu tháng 5/2020, Phòng NN&PTNT huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình diễn biến thời tiết và ảnh hưởng của nắng nóng đối với sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi; đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống nắng nóng và kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho gia súc, gia cầm.

Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, thoáng mát, cao ráo, thích hợp đối với từng loại vật nuôi; phủ lá cọ, rơm, rạ hoặc trồng các loại cây dây leo lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp.

Những ngày nắng nóng, cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định.

Bố trí mật độ nuôi phù hợp cho từng loại vật nuôi, lứa tuổi để tạo sự thông thoáng và hạn chế sức nóng từ chính vật nuôi; tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần; những đợt nắng nóng kéo dài chú ý tăng khẩu phần ăn thức ăn xanh và bổ sung các loại Vitamin đặc biệt là Vitamin C; cho vật nuôi ăn làm nhiều bữa trong ngày vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa; cung cấp đầy đủ nước sạch, có bổ sung thêm chất điện giải cho gia súc, gia cầm uống để giải nhiệt.

Đối với trâu, bò, lợn, thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ cao nhất (từ 12 - 16h) trong ngày không chăn thả và cho trâu bò nghỉ làm việc, nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát; tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi trong mùa hè.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, đến nay, trên địa bàn huyện Tam Dương chưa xảy ra tình trạng đàn gia súc, gia cầm bị chết do cảm nắng, cảm nóng hay do dịch bệnh mùa hè.

Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết năm nay có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, mùa hè năm nay có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên cao có những ngày lên đến 40 độ C, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp giải nhiệt, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại./.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top