Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 7 năm 2019 | 11:29

ĐBSH: Nhiều địa bàn công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố. Nhiều địa bàn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày.

8.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hưng Yên: Ân Thi: 7 xã công bố hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến hết tháng 6, Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21/21 xã, thị trấn của huyện Ân Thi. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là gần 25.000 con của 1.722 hộ chăn nuôi trong toàn huyện.

Để phòng, chống dịch bệnh, công tác tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và môi trường được thực hiện nghiêm túc trong phạm vi toàn huyện. Nhờ sự quyết liệt phòng, chống, đến ngày 10,7, đã có 7 xã trên địa bàn huyện công bố hết dịch là: Xuân Trúc, Quang Vinh, Tân Phúc, Cẩm Ninh, Phù Ủng, Văn Nhuệ và Bắc Sơn.

Bắt giữ gần 1 tấn thịt lợn thối ở Hưng Yên

Ngày 16.7, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đã bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 910kg thịt lợn chết đã bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển từ Bắc Ninh về Mỹ Hào - Hưng Yên để tiêu thụ.

 

9.jpg
Lái xe Nguyễn Thế Khanh và toàn bộ số thịt lợn chết được thu giữ.

 

Theo đó, vào khoảng 18h15', ngày 13.7.2019, tại thôn Dâu, xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, các trinh sát phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội quản lý thị trường số 4 - Cục quản lý thị trường tỉnh và Công an thị xã Mỹ Hào, cùng chính quyền địa phương phát hiện Nguyễn Thế Khanh, sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang trên đường vận chuyển thịt lợn chết đã chuyển màu và bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, trên xe ô tô biển kiểm soát 99C-149.47 của Khanh có 9 con lợn chết đã xẻ thịt, với tổng trọng lượng 910kg. Qua quá trình đấu tranh, Khanh đã khai nhận vận chuyển thuê cho chủ hàng ở Bắc Ninh với 200.000đ tiền công, đi từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về Thị xã Mỹ Hào để tiêu thụ.

Hiện tổ công tác đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số lợn chết trên, bàn giao cho Đội quản lý thị trường số 4 xử lý, ra quyết định phạt Nguyễn Thế Khanh 10 triệu đồng về hành vi vận chuyển động vật chết không đảm bảo vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm để kinh doanh, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số lợn trên theo đúng quy định, tiếp tục tiến hành xác minh làm rõ trách nhiệm của chủ hàng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Dương: 136 xã, phường, thị trấn hết bệnh dịch tả lợn châu Phi      

Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến ngày 17.7 toàn tỉnh có 136 trong tổng số 255 xã, phường, thị trấn hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, chiếm 53%.

Có 36 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch, các địa phương còn lại đã đủ điều kiện công bố.

Ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi chưa nên tái đàn lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát trở lại. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh đã tiêu hủy hơn 22.500 tấn thịt lợn, thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng.

Hà Nội: "Gỡ khó" cho chuỗi liên kết chăn nuôi

Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và phát triển chăn nuôi bền vững, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Là một trong những đơn vị tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết: Đến nay, công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín với quy mô 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ. Công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ dân tại địa phương, tuy nhiên việc xây dựng chuỗi còn khó khăn do đầu ra cho sản phẩm hạn chế. Mặc dù công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong cả nước, nhưng số lượng bán được rất ít nên đơn vị vẫn phải bán qua thương lái ở các chợ đầu mối. Một số hộ dân khi liên kết với công ty vẫn phá vỡ hợp đồng, bán trứng ra ngoài khi giá lên cao.

 

10.jpg
Chăn nuôi gà thả vườn, đồi ở Ba Vì.

 

Còn ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho rằng, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn, nhưng việc tiếp cận nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm vẫn qua thương lái nên hay bị ép giá…

Về khó khăn trong phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện thành phố có 52 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút 3.000 hộ và 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi còn lỏng lẻo do thiếu doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến hàng hóa chưa đa dạng; thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của nhiều người chưa cải thiện. Đặc biệt, cơ chế, chính sách chưa đủ sức khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi. Trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi khiến mối liên kết chưa bền vững; sản xuất thiếu cân bằng, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh...

Để tháo gỡ khó khăn cho các chuỗi liên kết chăn nuôi, theo ông Nguyễn Đình Tường, chủ chuỗi chăn nuôi lợn sinh học ở huyện Quốc Oai, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã, người dân xây dựng chuỗi nhằm khuyến khích kịp thời các chủ thể tham gia.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, khi phát triển chuỗi, rất cần doanh nghiệp có tiềm năng, có khả năng đầu tư lâu dài và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi. Các chuỗi khi xây dựng nên gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm để truy xuất được nguồn gốc. Các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các chuỗi.

Về lâu dài, để chuỗi liên kết chăn nuôi phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị chính quyền địa phương lựa chọn những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín với việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc bảo đảm an toàn sinh học; chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và người dân trong ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm quyền lợi giữa các bên khi tham gia chuỗi.

Thanh Hóa: Tích tụ được 35.612ha để sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tích tụ được 35.612 ha đất đai để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn.

Trên những diện tích tích tụ, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; đồng thời ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhờ đó, đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn đạt hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương; mô hình sản xuất ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện: Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất được tích tụ để thực hiện các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 đến 25% so với những diện tích sản xuất nhỏ lẻ./.

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top