Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 năm 2018 | 13:19

Tín dụng chính sách: “Điểm tựa” giúp đồng bào DTTS làm giàu

Theo số liệu của tỉnh Trà Vinh, đến cuối năm 2017, tỉnh còn 23.078 hộ nghèo, chiếm 8,41%, trong đó có hơn một nửa hộ nghèo là người Khmer.

Do đó, cùng với các giải pháp, các chương trình dự án, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức thực hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

tr5t.jpg
Chị Thạch Thị Sắc ở ấp Ba So ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang vay vốn ưu đãi phát triển đàn bò.

 

“Điểm tựa” tín dụng

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH, cho biết, hiện trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã có đến 32% số hộ người Khmer và 64/106 xã, phường, thị trấn được phân định vào danh sách vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực khó khăn.

Nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là đối với đồng bào DTTS ở vùng khó khăn, những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH nâng cao năng lực hoạt động; chỉ đạo các ban ngành, chính quyền, hội, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi.

Thực tế qua gần 16 năm hoạt động, nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh Trà Vinh đạt 4.055 tỷ đồng với 422.396 ngàn lượt hộ vay, trong đó nguồn vốn cho vay hộ đồng bào DTTS 1.588 tỷ đồng với 165.444 lượt hộ vay. Người Khmer, người Hoa được thụ hưởng hầu hết 13 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, cùng 3 chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS hàng năm khoảng 4%, hỗ trợ 4.700 gia đình người Khmer nghèo gần 31 tỷ đồng, xây dựng 156 dự án, mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như: Chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang; xen canh hai vụ lúa, một vụ rau sạch tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú; phát triển nuôi tôm, cá kết hợp trồng lúa, trồng cây thực phẩm trên đất giồng cát với mức thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ha/năm ở ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.

Ngoài ra, trên địa bàn các thôn, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống đã triển khai thực hiện gần 100 mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề truyền thống từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi làm “điểm tựa”.

Cùng với đó, NHCSXH các cấp ở Trà Vinh còn quan tâm giúp bà con dân tộc nâng cao nhận thức sử dụng vốn vay kết hợp với kỹ năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, thu nhập, giảm nghèo nhanh cho hộ gia đình.

Phát triển sản xuất

Xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) có 2.089 hộ dân tộc Khmer,  sinh sống tại 8 ấp, từng được các chương trình 134, 135 hỗ trợ tiền vốn, vật tư để ổn định cuộc sống và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trạm, trại, nhưng kể từ khi có NHCSXH ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi, nhiều gia đình đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo túng, có tiền của dư dả, cuộc sống khấm khá ngay trên đồng đất quê hương.

Chị Thạch Thị Sắc ở ấp Ba So sinh ra trong gia đình nghèo, duy nhất chỉ có chưa đầy 2 công (1 công = 1000m2) đất cha mẹ cho khi đi lấy chồng. Vợ chồng chị đau đáu nghĩ làm cách nào  thoát được cảnh túng thiếu và để con cái không phải bỏ học.

May mắn đến với gia đình chị Sắc khi được tiếp cận liền 3 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Cầu Ngang, đó là vay vốn hộ nghèo và vốn xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổng cộng trên 60 triệu đồng. Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng chính sách và cán bộ khuyến nông huyện, chị đầu tư nuôi bò, trồng rau màu. Mới sau 2 năm, gia đình chị đã có đàn bò 6 con béo khỏe, 4 vụ rau xanh sạch bội thu, trị giá khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm.

“Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra số tiền lớn như vậy. Tất cả nhờ vay vốn từ NHCSXH đấy. Nay gia đình tôi ai cũng phấn khởi tích cực lao động, gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn”, chị Sắc chia sẻ.

Hộ ông Kim Lai và bà Kim Thị Tèo ở ấp Bình Trị )xã Tập Sơn, huyện Trà Cú) cũng là gia đình dân tộc Khmer thoát nghèo nhờ đồng vốn vay của NHCSXH. Khởi nghiệp với 5 triệu đồng nuôi bò sinh sản từ vốn vay chương trình hộ DTTS đặc biệt khó khăn, sau 3 năm, ông bán bò được hơn 40 triệu đồng. Đến năm 2015, được NHCSXH tạo điều kiện tiếp tục vay 35 triệu để mở rộng chăn nuôi, cải tạo rẫy trồng bắp nếp, chuồng trại, trừ chi phí, mỗi năm  gia đình có thu khoảng 70 - 80 triệu đồng. Kinh tế gia đình nhờ đó mà vượt qua nghèo khó, sửa sang căn nhà ở 4 gian vững chắc.

Gần 16 năm kề vai sát cánh cùng hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững. Vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển SXKD, chăn nuôi trồng trọt, khôi phục các ngành nghề truyền thống, ổn định cuộc sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top