Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2015 | 2:24

Tín dụng chính sách đối với hộ dân tộc thiểu số: Khó khăn và thách thức

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đến ngày 30/11/2015, tổng dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt gần 31.648 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng dư nợ do NHCSXH đang thực hiện, với gần 1,45 triệu khách hàng đang vay vốn, dư nợ bình quân đạt 22 triệu đồng/hộ, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3%.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách này đang gặp một số khó khăn, thách thức, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả và ý nghĩa nhân văn của các chương trình này.

Khách hàng vay vốn tại Trạm Tấu, Yên Bái.

Về nguồn vốn, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số. Do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong năm 2014 và 2015, một số chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ dân tộc thiểu số do NHCSXH thực hiện chưa được cấp vốn đủ và kịp thời.

Về thời gian cho vay, tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn tối đa là 5 năm (60 tháng) và thời gian gia hạn nợ tối đa không quá 5 năm. Tuy nhiên, thực tế sau thời gian gia hạn nợ tối đa này, nhiều hộ vẫn chưa trả được nợ và khoản nợ bị chuyển sang quá hạn. Việc chuyển nợ quá hạn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong khi chưa thoát nghèo sẽ ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả của chương trình.

Về mức cho vay, theo kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội và các đoàn kiểm tra thấy mức cho vay một số chương trình còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế do biến động của giá cả thị trường, phần nào đó tác động đến hiệu quả thực tế từ vốn vay chưa được như yêu cầu đặt ra.

Giao dịch xã tại Chợ Đồn, Bắc Kạn.

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống tại các tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Khí hậu thời tiết khắc nghiệt, luôn bị ảnh hưởng của thiên tai như: mưa bão, lũ quét, rét đậm, rét hại kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, thiệt hại về tài sản dẫn đến tình trạng tái nghèo. Khu vực sinh sống của các hộ dân tộc thiểu số thường nằm xa trung tâm; kinh tế, giao thông khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế; diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp.

Trình độ dân trí của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung còn hạn chế. Trong thời gian qua, có nhiều hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động là hộ dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường tuyển lao động, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao; ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn thấp, tác phong công nghiệp kém, dễ dẫn đến bỏ dở công việc, vi phạm hợp đồng lao động… Đồng thời, trình độ, tập quán sản xuất, nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất của một bộ phận hộ dân tộc thiểu số còn thấp, vẫn còn tính tự cấp, tự túc...

Hiện nay, hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa cao, dẫn đến việc sử dụng vốn vay của người vay chưa có hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Tại một số địa phương, trình độ quản lý, nghiệp vụ làm dịch vụ ủy thác và công tác tập huấn của cán bộ tổ chức chính trị-xã hội còn hạn chế.                

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top