Chế Tạo - xã khó khăn nhất của huyện 30a Mù Cang Chải (Yên Bái) đang chuyển mình. Sự biệt lập về địa lý, khác biệt về trình độ sản xuất, tư duy đang dần thu hẹp bởi chính đồng bào Mông nơi đây.
Lâu lắm rồi, người Mông ở Chế Tạo không bỏ bản nữa; họ yêu mảnh đất này bởi nó đã cho con cháu họ được ăn no, mặc ấm, được học cái chữ, “cái khoa học” của thế giới...
Chúng tôi không muốn rời bản!
Đó là khẳng định của những thanh niên dân tộc Mông mà chúng tôi gặp tại xã Chế Tạo. Những câu chuyện ngắn ngủi, những giọng nói ngọng ngịu, có chút e dè của những chàng trai, cô gái Mông vẫn không giấu được khí thế, tinh thần quyết tâm bám bản, bám đất của họ. Quả thật, với những ai hiểu về đồng bào Mông, về tập quán của họ sẽ thấy, không du canh, du cư nữa, quan trọng đến nhường nào.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải Bùi Văn Hóa, đường đến Chế Tạo không những khó mà còn vòng vèo. Rồi, anh Hóa kể, có lần nghe thấy tiếng mổ lợn bên bản Tà Dông - một bản của người Mông phía sườn núi đối diện trụ sở UBND xã nhưng sang đến nơi thì đồng bào đã ăn xong và ra về. Và, Tà Dông cũng không phải là bản xa nhất, nhưng nếu gặp trời mưa, dù mưa nhỏ thì “Chủ tịch UBND xã Sùng A Chống cũng phải mất 3 - 4 tiếng mới về tới nhà; mưa to thì ông ấy ở lại làm bảo vệ cơ quan luôn”, Giám đốc Hóa nói.
Ấy vậy mà tất cả những hiểm nguy, khó khăn ấy không hề ngăn được bước chân của những cán bộ, trong đó có cán bộ tín dụng chính sách. Nhờ đó, người Mông trên đỉnh Háng Giàng đã “bắt đầu” cuộc sống mới, chinh phục đói nghèo bằng chính những khoản vay từ NHCSXH. Và đây cũng là một trong những lý do chính khiến đồng bào Mông gắn bó với bản; không bỏ bản đi đốt rừng làm rẫy, tìm vùng đất mới.
...và sẽ không phụ lòng cán bộ!
Người đồng bào là vậy! Khi đã tin tưởng là sẽ nghe theo, làm theo. Bởi thế, nhận ra những việc cán bộ làm đều giúp mình có cuộc sống tốt hơn, no ấm hơn nên chẳng ai bảo ai, bà con đã tự giác cùng với cán bộ học cách chăn nuôi, trồng trọt, cố gắng làm ăn để không phụ lòng những người đã giúp mình. Đồng bào cũng ý thức, không có gì tự nhiên đến; nên có vay, phải có trả; vay phải biết sinh lời cho khoản vay, có thế mới mau chóng thoát nghèo; có thế, cuộc sống mới ổn định, bền vững.
Chàng thanh niên Giàng A Ly ở bản Chế Tạo là điển hình cho tư duy mới. Năm 2014, anh được vay 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo để đầu tư nuôi trâu. Sau 5 năm, từ một trâu mẹ, anh đã có trong tay đàn trâu 3 con và trả hết nợ ngân hàng đúng hạn. Giàng A Ly bật mí, tới đây với số vốn đã dành dụm được, hai vợ chồng sẽ làm thủ tục đề nghị NHCSXH huyện tiếp tục cho vay 50 triệu đồng để mua trâu về vỗ béo. “Chắc chắn, chúng tôi sẽ có lời”, Giàng A Ly quả quyết.
Cùng trang lứa với Giàng A Ly nhưng cuộc sống của vợ chồng Giàng A Sàng xem ra khấm khá hơn. Giàng A Sàng kể, vì tham gia đoàn thanh niên xã nên Sàng sớm được biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách. Cộng thêm, được gần gũi cán bộ, Sàng học được nhiều điều. “Trong đó, quan trọng nhất là phải biết làm ra nhiều sản phẩm để trao đổi chứ không thể cứ đi phá rừng, săn thú”, Giàng A Sàng nói.
Hôm nay, Giàng A Sàng đến Điểm giao dịch xã Chế Tạo để trả hết nợ vay NHCSXH. Vậy là, chàng thanh niên 8x đã hoàn thành được một nửa giấc mơ: Thoát được nghèo! Nửa giấc mơ còn lại của Giàng A Sàng chính là những dãy phòng homestay giản dị, mà hai căn trong số đó đã được đưa vào phục vụ khách du lịch.
Chia sẻ về tác động của tín dụng chính sách xã hội, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo Sùng A Chống cho biết, nguồn vốn chính sách đã mang lại những mùa vàng bội thu cho Chế Tạo; làm thay đổi toàn diện bộ mặt cũng như con người xã Chế Tạo, “trong đó có cả những cán bộ như chúng tôi”! Từ thành công của một vài người trong xã, nay việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh, học tập… đã trở thành phong trào, phát triển rộng rãi ở cả 6/6 thôn, bản.
Đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Chế Tạo đạt hơn 9 tỷ đồng. Riêng doanh số cho vay năm 2019 đạt hơn 1 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp bà con mở rộng diện tích cây trồng, hình thành vùng chăn nuôi trâu, bò, mang lại thu nhập ổn định.