Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 3 năm 2018 | 14:21

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo ở Bình Dương

Bình Dương xác định giai đoạn 2016-2020, các chính sách giảm nghèo cần hướng đến mục tiêu cải thiện điều kiện, chất lượng cuộc sống của người nghèo và các dịch vụ xã hội, phấn đấu hết năm 2018, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo.

a1-vv-th-an_7733.jpg
Gia đình anh Vũ Văn Tâm ở khu phố Hòa Long, P.Lái Thiêu, TX.Thuận An  vay 30 triệu động chương trình giải quyết việc làm đầu tư  mua nguyên liệu, công cụ làm con giống, tạo việc làm cho 4 lao động.

 

Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCXH) tỉnh Bình Dương được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Đây chính là điểm nhấn để Bình Dương không còn hộ nghèo.

Thăm tổ hợp tác kinh tế trồng nấm bào ngư ở khu phố Thành Lợi, phường An Thạnh, thị xã Thuận An (Bình Dương), trước đây các hộ chỉ trồng nhỏ lẻ. Từ năm 2014, sáu tổ viên trong tổ là các hộ gia đình được vay ưu đãi 50 triệu đồng/hộ đã đầu tư mở rộng diện tích, mua nguyên liệu để trồng quy mô lớn với hàng ngàn mét vuông, là sản phẩm đặc sản nên sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Ông Nguyễn Ngọc Hà, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Vốn vay ưu đãi rất hữu ích với tổ chúng tôi, các tổ viên nhờ vốn vay này mới có điều kiện mở rộng sản xuất, 16 lao động có việc làm ổn định, không có nguồn vốn này chắc tổ khó có điều kiện hoạt động vì không có gì đề thế chấp vay từ nguồn vốn khác, sản phẩm nấm bào ngư ở đây rất được ưa chuộng”.

Đến An Sơn, xã đầu tiên của thị xã Thuận An được công nhận xã nông thôn mới năm 2013, Chủ tịch UBND xã Trần Thế Phong chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ có vốn mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Để đạt xã nông thôn mới, các chương trình cho vay của NHCSXH đã có đóng góp lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm cho người lao động… Hiện xã còn dư nợ 22 tỷ đồng của NHCSXH, đây là nguồn tài chính cần thiết để xã duy trì, nâng cao các tiêu chí về an sinh xã hội.

“Tỷ lệ hộ nghèo giảm sẽ đi đôi với dư nợ cho vay hộ nghèo cũng giảm, nhưng theo khảo sát của các hội, đoàn thể và NHCSXH, nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm rất lớn, ngoài tạo thêm nhiều việc làm nó cũng là tiền đề cho hộ vay ở những làng nghề có điều kiện giữ nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động, phát triển những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, những miệt vườn cây trái đặc sản… NHCSXH ngoài việc nâng cao chất lượng tín dụng sẽ chú trọng hơn chương trình cho vay giải quyết việc làm để nhiều lao động ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình phát huy năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức tâm sự.

Bình Dương có nhiều làng nghề truyền thống như: làm gốm, điêu khắc gỗ, tranh sơn mài khá nổi tiếng, nhu cầu vay của hộ dân là khá lớn, tuy nhiên, nguồn vốn còn hạn chế khiến nhiều hộ còn đói vốn đề mở rộng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Lan ở khu 4, phường Trương Đình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn với 23 tổ viên, dư nợ gần 700 triệu đồng; gia đình chị cũng được vay 50 triệu chương trình cho vay giải quyết việc làm đầu tư làm nghề sơn mài với hơn 10 lao động. Chị tâm sự: “Nhiều hộ trong khu phố rất cần vốn vay ưu đãi để phát triển nghề truyền thống cũng như mở rộng vườn cây nhưng vốn vay với hộ gia đình chỉ 50 triệu đồng thì khó đầu tư, cần có vốn nhiều hơn để phát triển bền vững, hơn 10 năm làm tổ trưởng nhưng trong tổ không có hiện tượng chây ỳ khó đòi, tất cả hộ vay đều rất ý thức cho việc làm gì và trả đúng hẹn”.

Tính đến nay, tổng dư nợ 11 chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Bình Dương đạt hơn 1.453 tỷ đồng, với 68.302 hộ còn dư nợ, tăng 47,312 tỷ đồng so với đầu năm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các tổ chức hội nhận ủy thác đã đưa vốn vay ưu đãi đã đến đúng đối tượng, hiệu quả luôn được nâng cao. Sau 15 năm hoạt động, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng chục ngàn hộ gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững, hàng vạn lao động có thêm việc làm, hàng ngàn học sinh sinh viên có cơ hội học tập tốt hơn…, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

 

         

 

Trần Việt
Ý kiến bạn đọc
Top