Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2016 | 3:29

Tín dụng chính sách góp phần giúp hộ nghèo phát triển sản xuất

Bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015) thực hiện tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc tổ chức ngày 21/9/2016, tại TP. Lào Cai (Lào Cai), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Cừ (ảnh), Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, về hiệu quả của tín dụng chính sách trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

Xin ông cho biết kết quả sự phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc giữa Ban chỉ đạo Tây Bắc với NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ra sao?

Có thể nói, trong thời gian  qua, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã có tác động hết sức tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc, vốn là vùng khó khăn nhất nước.

Về mặt kinh tế, Tây Bắc là vùng có tỷ lệ nghèo rất cao, các hộ gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định đời sống, sản xuất. Nhờ tín dụng chính sách, hơn 5 năm qua đã có 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động; giúp trên 121 nghìn HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Bắc; trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An)… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho sản xuất, đời sống của đồng bào vùng Tây Bắc vượt khó khăn và ổn định được đời sống, giảm nghèo bền vững.

Về mặt xã hội, tín dụng chính sách đã đem lại kết quả hết sức thiết thực. Đầu tiên là tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Từ vùng nghèo, việc tham gia học tập gặp nhiều khó khăn nhưng tín dụng chính sách cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cho nhiều em tiếp tục được đến trường. Tại vùng Tây Bắc, các em có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tăng nhanh trong mấy năm vừa qua, cung cấp cho vùng nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tín dụng chính sách cũng giúp cho vùng Tây Bắc xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đã hỗ trợ 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Việc một người đi xuất khẩu lao động không những giúp thoát được nghèo trong gia đình, mà khi trở về, người này còn có thể mang về địa phương nhận thức, hiểu biết, trình độ, kỹ thuật canh tác tiên tiến ,góp phần vào quá trình đổi mới quê hương.

Chuyển biến rõ nhất trên vùng Tây Bắc từ vốn tín dụng chính sách thể hiện ở nội dung nào, thưa ông?

Tôi thấy rằng, tất cả các thôn, bản, làng quê ở vùng Tây Bắc hiện nay đều có dấu ấn rất lớn của NHCSXH, như việc xây dựng hệ thống công trình cung cấp nước hợp vệ sinh, các công trình phúc lợi, hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, đời sống văn hóa, tinh thần cũng được cải thiện hết sức đáng kể, bộ mặt của nông thôn cũng khang trang lên rất nhanh. Đặc biệt, NHCSXH đã có những chính sách ưu đãi hết sức thiết thực và mang lại hiệu quả cao, giúp ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào, nhất là đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Ông có thể cho biết kinh nghiệm rút ra trong quá trình phối hợp thực hiện tín dụng chính sách giữa Ban chỉ đạo Tây Bắc và NHCSXH?

Sự phối hợp là hết sức cần thiết, chúng ta lâu nay vẫn quan niệm NHCSXH tập trung việc ngân hàng, cấp ủy, chính quyền tập trung vào lĩnh vực hành chính. Nhưng thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền (nhất là xã, thôn) phải thực sự vào cuộc, coi đồng tiền của người dân tại địa phương được vay từ NHCSXH là trách nhiệm của mình. Đặc biệt, vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản là hết sức quan trọng, phải coi đồng tiền đi vay của người dân trong thôn không những là trách nhiệm của riêng người vay mà là trách nhiệm của cả thôn để cùng nhau phát huy được đồng tiền đã vay, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng các mô hình hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, nếu chỉ đơn thuần cho người dân vay vốn thì theo tôi còn nhiều khoảng trống, bởi quan trọng nhất là phải tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Với mạng lưới trải rộng khắp toàn quốc thì NHCSXH dễ dàng nắm được những mô hình hay, kinh nghiệm tốt để trao đổi, chia sẻ; thực hiện qua cầm tay chỉ việc, qua sơ, tổng kết, qua những cuộc trao đổi kinh nghiệm tùy theo cấp độ, xã, huyện, tỉnh, thậm chí là khu vực.

Vấn đề thứ ba, là phải phát huy tối đa sức mạnh các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị để làm sao sử dụng đồng tiền vay một cách hiệu quả. Muốn vậy, phải đưa tiến bộ khoa học, công nghệ, chuỗi sản xuất có giá trị cao vào sản xuất hoặc là nhân rộng mô hình thành công. Nếu những việc này chúng ta phó thác người nông dân ở vùng sâu, vùng xa thì rất khó thực hiện, vì vậy, cần phải tìm hiểu thêm từ các nhà khoa học, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân phát huy đồng vốn vay một cách tốt nhất.

Ông có thể cho biết sự phối hợp trong thời gian tới giữa Ban chỉ đạo Tây Bắc với NHCSXH sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Tôi nghĩ rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp cho vùng Tây Bắc. Dù đã là ngân hàng chuyên thực hiện chính sách, nhưng theo tôi, vẫn phải có chính sách tín dụng dành riêng cho Tây Bắc với mức vay và lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách riêng về xử lý rủi ro thiên tai, đột biến trong vùng, ví dụ qua một đợt rét đậm, rét hại, mưa tuyết, hàng nghìn con trâu, bò chết, nếu không có chính sách riêng, việc xử lý là rất khó.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi sẽ tập trung đề nghị cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản cùng vào cuộc. Đây là trách nhiệm chung, làm sao để quản lý tín dụng chính sách tốt, hiệu quả, định hướng sản xuất, kinh doanh cho trúng, cho tốt, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của các hộ dân hay của riêng NHCSXH.

Thứ ba là, đi cùng vốn vay, đồng bào sẽ được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về định hướng sản xuất. Tại vùng Tây Bắc, nhận thức và phong tục tập quán của đồng bào vẫn còn có những hạn chế, nên rất cần có các định hướng đúng đi cùng với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo hiệu quả đầu tư; giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Cùng với đó là huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhất là tham gia vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, theo chuỗi. Đồng vốn từ NHCSXH kết hợp với các doanh nghiệp sẽ hình thành những mô hình tốt, từ đó nhân rộng, sẽ giúp đồng bào phát triển kinh tế và nâng hiệu quả tín dụng NHCSXH.

Xin cảm ơn ông!

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top