Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 14:11

Tín dụng chính sách nâng cơ hội “đổi đời” cho đồng bào vùng cao

Đi theo Đoàn công tác do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng dẫn đầu, chúng tôi trở lại tỉnh Điện Biên, nơi huyện khó khăn, xa xôi nhất Nậm Pồ, rồi lên Mường Nhé.

Nơi đây, dòng vốn tín dụng chính sách đã đồng hành giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, bám đất, bám rừng, giữ gìn từng tấc đất, phên dậu của Tổ quốc.

 

tr5.JPG
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

 

Trợ lực từ tín dụng chính sách

Xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) hôm nay không còn những mùa hoa anh túc, thay vào đó là những mùa vàng của lúa, ngô đạt năng suất và chất lượng cao, cùng đàn gia súc đang ngày một mở rộng, mang no ấm lại gần hơn với người dân nơi đây.

Ở một vùng đất địa hình phức tạp, giáp biên giới, lại thêm phong tục và nguồn lợi siêu khủng từ nhựa thuốc phiện mang lại nên việc xóa bỏ cây anh túc những năm trước không dễ dàng chút nào. Ngày đó, chính quyền huyện phải thành lập các đoàn công tác vận động bà con từ bỏ trồng cây thuốc phiện, hướng người dân sang trồng lúa nước, đưa những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập nhân rộng cùng sự trợ lực tích cực của tín dụng ưu đãi từ NHCSXH.

Năm 2010 đánh dấu mốc phát triển mới trên mảnh đất này với định hướng “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn năm 2010, rồi nâng cấp thành dự án giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Hạng Nhè Ly cho biết: NHCSXH là nguồn vốn tín dụng duy nhất có mặt trên mảnh đất này hỗ trợ cho huyện giải quyết các vấn đề chính sách an sinh xã hội, kể từ khi thành lập huyện năm 2012; mới đây, có thêm Ngân hàng TMCP Liên Việt nhưng vốn không đáng kể.

Gia đình chị Mùa Thị Sánh (thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn) vay 50 triệu đồng mua một cặp trâu sinh sản đầu năm 2016. Sau hơn 2 năm, đàn trâu nhà chị đã có 4 con, chị vừa bán một con được 30 triệu mua chiếc máy cày và trả nợ ngân hàng.

“Với số nợ còn lại 32 triệu đồng, chỉ cần bán 1 con là đủ trả nốt nợ, vẫn lãi được 2 con, điều đó cho thấy hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội mang lại”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng vui mừng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vốn cùng bà con.

Ước mong đổi đời từ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những người dân Si Pa Phìn đã và đang được chắp cánh cùng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Cả xã có 1.089 hộ thì có đến 987 hộ đang vay vốn của NHCSXH với dư nợ 42,7 tỷ đồng. Con số đó cũng đủ thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận được 100% số hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay. 123 hộ nghèo vay  tăng thêm từ năm 2015 không phải do hộ nghèo tăng mà đến từ việc có các chính sách mới trợ đỡ đồng bào vươn lên giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này như: cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo về nhà ở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn,...

Nhìn lại 5 năm 2015 - 2019, doanh số cho vay hơn 50,6 tỷ đồng với 1.497 số lượt hộ được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống mới thấy vai trò, giá trị của vốn tín dụng chính sách.

Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, Mùa A Hòa phấn khởi cho biết, hiệu quả vốn vay ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã. Đến nay, toàn xã có gần 2,5ha trồng cỏ voi, trên 9.000 con trâu, bò. Đời sống của người dân trên địa bàn thực sự chuyển biến rõ rệt. Với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố tại 16 bản, xã, hiện không chỉ không có hộ đói mà tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58,68%; tỷ lệ hộ cận nghèo 12,58%... Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa Si Pa Phìn trở thành một trong những điểm sáng của huyện về xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn tín dụng chính sách càng thêm quý khi Nậm Pồ là huyện khó khăn nhất tỉnh với 97,8% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 69,18%; Thái 18,50%; Dao  4,15%, Khơ Mú  1,58%; 8/15 xã biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Doanh số cho vay từ năm 2015 đến 31/10/2019 là 362 tỷ đồng của NHCSX đã tạo điều kiện cho 12.773 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần nâng mức thu nhập bình quân của người dân  từ 7,73 triệu đồng/người/năm 2015 lên 11,9 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 72,09% (năm 2015) xuống còn 60,12% (năm 2018). Huyện từ chỗ chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và về đích sớm trước 2 năm.

Tự hào về “4 không”

Chia tay Nậm Pồ, chúng tôi vượt 120km sau hơn 3 giờ đồng hồ để sang Mường Nhé ngay trong đêm, kịp sớm mai lên đường về với Sín Thầu. Cảnh đẹp, lòng người thêm lâng lâng khi Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, Đàm Xuân Triệu cho biết, thời gian này, NHCSXH đã nỗ lực dồn vốn giúp Sín Thầu hoàn thành nốt tiêu chuẩn hộ nghèo để cán đích nông thôn mới vào năm 2020.

 

tr5a.JPG
Nhờ vay vốn chính sách mà nhiều hộ đồng bào ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thay đổi hẳn cuộc sống.

 

Ký ức về xã “4 không” (đường - điện - trường - trạm) đã được xóa bỏ, thay vào đó, Sín Thầu lại tự hào về “4 không” khác mà khó xã nào trong huyện Mường Nhé có được: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện - Không có tình trạng phá rừng - Không di cư tự do - Không tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Hộ ông Sùng Phì Sinh là một trong những điển hình vay vốn NHCSXH chăn nuôi gia súc thoát nghèo. Từ 2 con bò mẹ mua từ nguồn vốn vay NHCSXH, thêm vài vòng quay vay vốn, đàn gia súc tăng dần qua từng năm, đến nay gia đình ông có hơn 200 con trâu, bò; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng cũng đang “dìu dắt” những hộ cuối cùng của bản thoát nghèo như gia đình anh Giàng Ý Bầu hiện vay 30 triệu hộ nghèo mua thêm trâu sinh sản. Hay như anh Khoàng Chừ Lòng vay 40 triệu vốn hộ cận nghèo đầu năm 2017 mua thêm trâu sinh sản, song đến cuối năm 2017 và tháng 5 năm ngoái đã tất toán xong khoản vay với NHCSXH từ nguồn tiền bán trâu. “Mình hết khó, trả vốn cho NHCSXH cho vay bà con khó khăn hơn”, anh Khoàng Chừ Long tâm sự một cách mộc mạc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Điện Biên, Lê Văn Quý cho biết, không phải vì phụ trách NHCSXH thì quan tâm hơn mà bởi vì ông trân trọng những công việc và giá trị mà NHCSXH mang lại là duy nhất không tổ chức tín dụng nào có, đó là hỗ trợ người nghèo và đối tượng yếu thế dễ tổn thương nhất và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

“Điều đó cho thấy, tín dụng chính sách xã hội là nguồn vốn quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là nguồn vốn góp phần ngăn chặn tín dụng đen đến người nghèo và đối tượng yếu thế, duy trì trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được giữ vững, niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao”, Phó chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý nhấn mạnh.

Giải bài toán giảm nghèo bền vững

Bài toán giảm nghèo bền vững vẫn còn là một thách thức lớn với Điện Biên khi kinh tế của tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; tại các xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất 1 vụ trong năm là chính; điều kiện tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Toàn tỉnh có 127.667 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 37,08% (trong đó có 46.507 hộ nghèo về thu nhập); hộ cận nghèo chiếm 9,78%.

Ngoài mong muốn Chính phủ và NHCSXH có nhiều nguồn vốn hơn hỗ trợ người dân Điện Biên vượt khó, Phó chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý cho biết, Tỉnh ủy cũng đã ra Chỉ thị về việc UBND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay khoảng 1% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh đến việc các cấp chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể cần rà soát lại đối tượng vay và nhu cầu vay. Bởi qua thực tế tại xã Sìn Thầu và xã Si Pa Phìn, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã vay, như vậy, để có thể tăng dư nợ, việc xác định được nhu cầu vay cũng như đối tượng vay chính xác là cơ sở để NHCSXH cung ứng thêm vốn để tăng mức vay cho các hộ dân, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo, đặc biệt trên địa bàn  có điều kiện phát triển cây ăn trái, dược liệu và chăn nuôi gia súc.

 

Nguồn vốn tín dụng đến 100% thôn, bản không chỉ ở Sín Thầu mà trải đủ trên cả 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé trong 5 năm qua, tạo điều kiện cho 12.017 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống với tổng doanh số cho vay 348 tỷ đồng.

Từ đó, giúp hơn 1.055 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của huyện hàng năm giảm 5,1%; tạo việc làm cho  233 lao động, trong đó có 48 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 80 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng 876 công trình cung cấp NS&VSMTNT; trợ giúp 298 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...

Tổng dư nợ đến ngày 31/10/2019 đạt trên 235 tỷ đồng, tăng hơn 9 tỷ đồng so với ngày 31/12/2018 và tăng 56,1 tỷ đồng so với ngày 31/12/2014, với 6.202 khách hàng còn dư nợ.


 


 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top