Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 14:16

Tín dụng chính sách ngày càng đi vào chiều sâu

Chất lượng hoạt động nói chung, chất lượng tín dụng nói riêng tại chi nhánh NHCSXH 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu.

Từ đó, làm thay đổi căn bản nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội.

 

t24.jpg
Ông Nguyễn Tứ Lang (người ngồi ngoài cùng bên phải) ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước thông tin cho Đoàn công tác về vay vốn, sử dụng hiệu quả vốn vay.
 

Tín hiệu tích cực từ việc tăng cả lượng và chất

Sau 2 năm triển khai thực hiện, với các giải pháp đồng bộ, đúng đắn, tác động trực tiếp, hiệu quả vào những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, chất lượng hoạt động nói chung, chất lượng tín dụng nói riêng tại chi nhánh NHCSXH 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, nợ quá hạn được kiềm chế và giảm rõ rệt, hoạt động giao dịch tại xã ổn định, đi vào nề nếp, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn được cải thiện, tỷ lệ thu lãi tăng cao. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về ý nghĩa và vai trò của tín dụng ưu đãi đã có sự chuyển biến tích cực.

Đến ngày 31/10/2020, tất cả 4 chi nhánh đã đạt được 5/5 chỉ tiêu định hướng đề ra. Chi nhánh NHCSXH các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang từ xếp loại yếu, đến nay đã xếp loại khá, tốt. Đối với cấp huyện và cấp xã, tăng số đơn vị xếp loại khá, tốt; giảm số đơn vị xếp loại trung bình, yếu. Đến nay, tại các chi nhánh không còn đơn vị cấp huyện xếp loại yếu; số đơn vị cấp xã xếp loại trung bình, yếu giảm 30%. Công tác quản lý nợ và kiểm tra rà soát trước khi cho vay đạt hiệu quả, các món cho vay mới, tỷ lệ thu lãi đạt bình quân khoảng 96,89%.

Hai năm qua, các địa phương đều tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được Tổng Giám đốc giao. Đến ngày 31/10/2020, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu có tổng dư nợ 2.143 tỷ đồng, tăng gần 327 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2018 (+18%), với 87.734 khách hàng còn dư nợ; tổng dư nợ của Chi nhánh Sóc Trăng đạt 3.682 tỷ đồng, tăng hơn 443 tỷ đồng (+13,7%), với 151.498 khách hàng còn dư nợ; tổng dư nợ của Chi nhánh tỉnh Kiên Giang đạt 3.728 tỷ đồng, tăng hơn 394 tỷ đồng (+11,8%), với 151.202 khách hàng còn dư nợ; tổng dư nợ của Chi nhánh tỉnh Cà Mau đạt gần 2.757 tỷ đồng, tăng 323 tỷ đồng (+13,3%) so 31/7/2019, với 121.624 khách hàng còn dư nợ.

Bên cạnh đó, các chi nhánh còn tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền cấp huyện/cấp xã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Đến ngày 31/10/2020, ngân sách địa phương ủy thác tại 4 tỉnh đạt gần 533 tỷ đồng, tăng 154,5 tỷ đồng (+41%) so với thời điểm thực hiện Đề án (trong đó, Bạc Liêu 89,1 tỷ đồng, Sóc Trăng 97,2 tỷ đồng, Kiên Giang gần 214 tỷ đồng, Cà Mau hơn 132,4 tỷ đồng). Hằng năm, các tỉnh đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, việc thực hiện Đề án đã làm thay đổi căn bản nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, làm thay đổi căn bản tư tưởng, ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc của những người làm tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở (cán bộ NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn). Từ đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng không còn là nhiệm vụ của riêng NHCSXH, mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tại cơ sở.

Hướng đến chất lượng ổn định, bền vững

“Đạt được kết quả tích cực trong thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động trong những năm qua có đóng góp quan trọng của hệ thống cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc NHCSXH đã ghi nhận và đánh giá cao các thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt là Giám đốc các đơn vị tăng cường và được tăng cường đã bám sát chỉ đạo của Ban điều hành, chủ động, trách nhiệm cao trong triển khai nhiệm vụ được giao. Dành nhiều thời gian đi cơ sở, khảo sát, nắm bắt tình hình, tìm hiểu phong tục, tập quán, phối hợp xây dựng và chỉ đạo sâu sát việc thực hiện phương án củng cố phù hợp đến từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực: Chất lượng tín dụng đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều ở một số địa phương; chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều; hoạt động ủy thác tại một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa hiệu quả.

Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, đồng thời qua đó phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Tổng Giám đốc yêu cầu 4 đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành có liên quan thực hiện triệt để, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top