“Cần Thơ gạo trắng, nước trong/Ai đi đến đó, lòng không muốn về”. Trở lại Cần Thơ những ngày tháng 6 đầy nắng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng trung tâm sông nước miền Tây. So với trước đây, vùng ngoại thành Cần Thơ giờ đã khoác lên mình màu áo mới - màu vàng của sự khang trang, no ấm; màu xanh của đất trời và hy vọng.
Nông thôn Cần Thơ hôm nay với những con đường bê tông phẳng lì len lỏi vào từng xóm nhỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán, đi lại của người dân. Những mái lá đơn sơ, xiêu vẹo dần được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, vững chắc. Song hành cùng sự đổi thay về diện mạo của nông thôn, đời sống vật chất tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14,43 lên 27,94 triệu đồng/người/năm trong giai đoạn 2010 - 2014, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP. Cần Thơ xuống 5,12%.
Đặc biệt, thành công này có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH TP. Cần Thơ. Với mạng lưới hoạt động ở 79 điểm giao dịch lưu động, cùng 2.039 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã, phường, thị trấn, NHCSXH TP. Cần Thơ đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để kịp thời chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tính đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH TP.Cần Thơ đạt hơn 1.615 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 1.614 tỷ đồng, giúp cho hơn 92 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất. 13 năm qua, NHCSXH TP Cần Thơ đã thu hút và tạo việc làm cho trên 14 nghìn lao động; 44.584 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 87.380 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới và sửa chữa gần 2.782 căn nhà cho hộ nghèo và nhà ở phòng tránh bão, lụt..., góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nghèo quê hương miền Tây.
Xin gửi tới bạn đọc những hình ảnh về đời sống của người dân vùng sông nước Cần Thơ khi được tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
NHCSXH giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.
Năm 2005, gia đình ông Trần Phú Tâm ở khu vực Bình Phó A (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo để nuôi heo. Đến năm 2009, gia đình ông thoát nghèo và tiếp tục vay 40 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để mở rộng mô hình nuôi heo sinh sản, heo thịt, mang lại thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm và được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quận.
Với 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông Phan Văn Chiến ở khu vực Bình Dương A đã cải tạo vườn, trồng dâu Hạ Châu, xoài Cát Hòa Lộc, măng cụt cho năng suất, chất lượng cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Ba ở ấp Trường Trung A (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) được vay 35 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm để mở rộng cơ sở may gia công, mang lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 45 lao động địa phương.
Chương trình NS&VSMT giúp các hộ gia đình có nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguồn vốn ưu đãi giúp gia đình ông Lê Văn Bon ở khu vực Bình Thường B có điều kiện đầu tư đầu tư nuôi cá thác lác, sặt rằn trên khoảng 6.000m², vườn cây ăn trái trên khoảng 8.000m2, mang lại thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm và được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen nông dân sản xuất giỏi năm 2012.
Năm 1991, gia đình ông Trần Văn Ơn được vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo để trồng dưa hấu. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2014 gia đình ông thoát nghèo và được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng mô hình trồng dưa trên 2.500m2, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi 35 - 40 triệu đồng, nay đã thoát hẳn nghèo.
Từ mờ sáng, nhiều hộ nông dân sử dụng xuồng ghe chở rau quả, trái cây ra bán ở Chợ Nổi Cái Răng, Cần Thơ.
Phương Lê