Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017 | 1:43

Tín dụng chính sách thắp sáng niềm tin cho người nghèo

Chính thức đi vào hoạt động ngày 11/3/2003, trải qua 14 năm phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn nỗ lực hoàn thành vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước trong việc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống và nâng cao thu nhập.

Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất

Nhìn lại chặng đường 14 xây dựng và phát triển, NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013 về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây là Quyết định số 28/2015 về cho vay hộ mới thoát nghèo... nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo.

Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm đầu thành lập là hơn 3 triệu hộ, đến nay là 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 triệu đồng lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 500.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ

Là tỉnh vùng cao biên giới, kinh tế khó khăn, Hà Giang đặc biệt coi trọng nguồn vốn chính sách xã hội, coi đây là động lực quan trọng giúp người dân các dân tộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Hơn 2 năm trở về trước, ở một số cấp ủy, chính quyền huyện, xã chưa có sự quan tâm, vào cuộc đúng mức trong việc triển khai tín dụng chính sách, coi nhiệm vụ này là của cán bộ NHCSXH. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả triển khai tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Hạn chế nêu trên đã cơ bản được giải quyết khi Hà Giang thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

“Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, việc triển khai tín dụng chính sách có sự đột phá. Chất lượng tín dụng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng giảm xuống, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên. Tổng dư nợ toàn tỉnh đến hết năm 2016 đạt trên 2.190 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 12%. Nợ quá hạn 6,4 tỷ đồng, giảm 2,1 tỷ đồng so với đầu năm. Ý thức tiết kiệm của người nghèo được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở số thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tăng từ 36% (năm 2014) lên 83% (năm 2016). Qua đó, giúp tỉnh thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...”, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đánh giá.

Ngay sau khi triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc. Điểm nhấn là, hỗ trợ nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH với tổng giá trị hỗ trợ trong gần 3 năm qua lên đến trên 16,6 tỷ đồng, góp phần nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay đạt 26,2 tỷ đồng để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, để nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động tại cơ sở, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiện toàn lại Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thông qua chủ trương đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện NHCSXH cấp huyện. Đến nay, đã có 11.099/11.159 chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc (chiếm  99,5%) tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Việc này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt.

Ông Phương Bá Thực, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn (TX Phổ Yên - Thái Nguyên) cho biết: “Tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, tôi nắm bắt các thông tin nhanh chóng, rõ ràng hơn từ việc cho vay ở từng chương trình đến kết quả sử dụng nguồn vốn cũng như chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương. Cũng vì trực tiếp tham gia nên nhiều vấn đề liên quan, thuộc thẩm quyền, tôi đều quyết đáp được ngay. Ngoài ra, vì là người đứng đầu ở cơ sở nên hơn ai hết, chủ tịch UBND xã là người hiểu rõ nhất những thuận lợi, khó khăn của người dân, biết đối tượng trên địa bàn cần gì, địa phương nên dồn lực cho vay ở chương trình nào để từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất với NHCSXH cũng như Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện sao cho sát với nhu cầu thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, với Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa tốt, chủ tịch UBND xã nhắc nhở để các hội, đoàn thể trực tiếp quản lý uốn nắn kịp thời”.

Để nguồn vốn ưu đãi tiếp tục tiếp sức giảm nghèo

Những kết quả trên là điểm tựa để NHCSXH nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, cộng hưởng chung trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của từng người dân cho đến các cơ quan đầu não ở Trung ương. Những mô hình kinh tế mới, những xã, huyện nông thôn mới có thêm điểm tựa nhân rộng và phát triển hoà mình vào nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, người giàu - người nghèo mỗi ngày thêm gần lại, hướng tới mục tiêu cao cả của đất nước xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân.

Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đặt ra đối với công tác giảm nghèo bền vững là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm. Đến cuối năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.

Thông qua phong trào thi đua hướng đến Kỷ niệm 15 năm thành lập NHCSXH với chủ đề: “Cán bộ, viên chức, người lao động NHCSXH đoàn kết, thân thiện, kỷ cương, trách nhiệm, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017”, toàn hệ thống NHCSXH đang từng ngày tập trung sức mạnh, phát huy trí tuệ nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hải Trang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top